Nam Định chuyển mình mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Kinhtedothi - Trong hành trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nam Định đang cho thấy những bước tiến vững chắc với diện mạo kinh tế nông thôn ngày càng khởi sắc.
Với quyết sách đúng đắn và sự đồng lòng từ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, tỉnh đang tạo dựng nền tảng bền vững để nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân vùng nông thôn.
Hạ tầng được đầu tư mạnh, sản xuất có lực đẩy mới
Nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển sản xuất, Nam Định đã đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông nông thôn liên tục được cải thiện, 100% xã, thị trấn hiện có đường ôtô trải nhựa hoặc bê tông tới trụ sở UBND xã. Hạ tầng thủy lợi từ cấp I đến cấp III đảm bảo tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích canh tác. Cùng với đó, lưới điện nông thôn được nâng cấp, ứng dụng công nghệ tự động hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng cao.
Đến nay, gần 98% xã, thị trấn đạt tiêu chí thủy lợi trong Bộ tiêu chí NTM nâng cao. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp như Rạng Đông, Mỹ Thuận, Thịnh Lâm, Yên Bằng... đang thu hút dòng vốn đầu tư mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao trình độ tay nghề. Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã tổ chức gần 100 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 78,5%.
Ngành ngân hàng cũng đồng hành cung ứng tín dụng với dư nợ khu vực nông thôn đạt gần 220.000 tỷ đồng trong 3 năm qua.

Nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng hiện đại, hiệu quả
Nam Định đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỉnh hiện có 390 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 330 đơn vị hoạt động hiệu quả. Hơn 400 mô hình “cánh đồng lớn” với diện tích 20.000 ha đang góp phần tăng năng suất, hiệu quả từ 10-15% so với phương thức canh tác truyền thống.
Đáng chú ý, hơn 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang cây trồng và mô hình kinh tế khác, giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 2 đến 10 lần. Việc cấp mã số vùng trồng cho hơn 4.000 ha cũng mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cho nhiều nông sản chủ lực của tỉnh.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình trang trại, ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi sinh học phát triển mạnh. Sản lượng thịt hơi năm 2024 đạt gần 200.000 tấn, tăng 4,7% so với 2021. Đặc biệt, ngành thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 13% sau ba năm, trong đó nuôi trồng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Với gần 98% tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình, khai thác hải sản của Nam Định đang từng bước tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
OCOP - động lực mới cho phát triển kinh tế nông thôn
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 534 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có một sản phẩm đạt chuẩn 5 sao quốc gia và ba sản phẩm tiềm năng 5 sao. Nhiều sản phẩm như gạo Toản Xuân, lụa Cổ Chất, nghêu Lenger... đã xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như châu Âu và Nhật Bản. Doanh số bán hàng của các sản phẩm OCOP tăng 5-20%/năm, giá trị sản phẩm tăng 10-30%.
Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Giai đoạn 2021-2024, 112 dự án phát triển ngành nghề nông thôn được triển khai, trong đó nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho sản phẩm chủ lực như lúa gạo, rau quả, thịt, trứng...
Tổng thể, các nỗ lực đồng bộ trong phát triển hạ tầng, tái cơ cấu sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đã giúp kinh tế nông thôn Nam Định duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định 2,55%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 202,5 triệu đồng vào năm 2024. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 52 triệu đồng (2021) lên hơn 75 triệu đồng/năm (2024).
Những con số ấn tượng này là minh chứng cho bước tiến vững chắc của Nam Định trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Không chỉ cải thiện đời sống người dân, chương trình còn tạo đà cho sự phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại, mở đường cho nông sản Nam Định chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới.

Nam Định khởi công xây dựng Dự án khu nhà ở xã hội Bãi Viên
Kinhtedothi - Ngày 19/5, UBND tỉnh Nam Định phối hợp cùng liên danh nhà đầu tư tổ chức lễ khởi công Dự án khu nhà ở xã hội Bãi Viên tại phường Mỹ Xá, TP Nam Định.

Nam Định đẩy nhanh tiến độ xoá nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi - Ngày 20/5/2025, UBND tỉnh Nam Định ban hành Văn bản số 483/UBND-VP3 gửi Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Tỉnh Nam Định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 26/5/2025 thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Nam Định trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định.