Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đông Anh: Đầu tư cải tạo di tích lịch sử địa đạo Nam Hồng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Địa đạo Nam Hồng có hệ thống địa đạo ngầm có độ dài lên tới hơn 10km, là một trong những địa đạo đầu tiên của Việt Nam. Trên cơ sở đó, huyện Đông Anh (Hà Nội) sẽ triển khai cải tạo, khôi phục nhằm lưu giữ, phát huy truyền thống cách mạng.

Dấu tích lịch sử

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, địa đạo Nam Hồng là một trong những địa đạo đầu tiên của Việt Nam. Đây được coi là liên khu du kích tiêu biểu nhất với hệ thống địa đạo, giao thông hào liên kết toàn xã tại các thôn Tằng My, Đoài, Đìa, Vệ và liên thông sang thôn Thượng Phúc - Bắc Hồng; Sơn Du – Nguyên Khê. Hệ thống địa đạo ngầm có độ dài lên tới hơn 10km, xây dựng nên một làng kháng chiến liên hoàn toàn xã, tạo thành một pháo đài phòng ngự kiên cường, đánh địch hiệu quả.

Huyện Đông Anh tổ chức Hội thảo triển khai dự án cải tạo, khôi phục di tích địa đạo Nam Hồng.
Huyện Đông Anh tổ chức Hội thảo triển khai dự án cải tạo, khôi phục di tích địa đạo Nam Hồng.

Cả xã Nam Hồng có 465 hầm bí mật, 2.680 hố chiến đấu, trên 8000m thành luỹ và trên 600 cổng dong. Địa đạo Nam Hồng được ghi nhận là một sáng tạo trong chiến tranh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là di tích lịch sử có một không hai ở đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Kỹ thuật xây dựng địa đạo Nam Hồng thể hiện trí thông minh, tài năng sáng tạo của quân và dân ta, là cơ sở phát huy sáng tạo trong thực hiện đào hệ thống hào lấn bao vây trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Cùng với những trận địa khác như: Địa đạo Củ Chi, địa đạo Phú Thọ Hòa - TP Hồ Chí Minh (1947); địa đạo Long Phước - Bà Rịa Vũng Tàu (1948)... đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta.

Do đặc điểm di tích là hệ thống địa đạo, trải khắp trong xã cùng các điểm ghi dấu sự kiện lịch sử nằm lẫn trong nhà dân nên quy mô di tích được xác định trên cả 4 thôn thuộc xã Nam Hồng. Các di tích còn hiện hữu gồm: Đoạn địa đạo gốc xuyên qua 4 gia đình dài khoảng 67m, đã được gia cố bằng bê tông cốt thép năm 1980 vẫn giữ nguyên hướng tuyến nhưng không còn theo kích thước hình dạng ban đầu. Đoạn địa đạo được đào lại năm 2004 theo mô tả của nhân chứng, đang xây dựng dở, dài khoảng 250m, tường trần xây gạch nối từ nhà dân, theo đường giao thông ngõ xóm ra trận địa chiến đấu...

 

Các nội dung trong dự án đã được xin ý kiến tại nhiều hội nghị và nhận được sự đồng thuận ủng hộ của người dân. Đối với nội dung đề xuất chủ trương đầu tư liên quan đến quy mô dự án, xã Nam Hồng cơ bản thống nhất và nhận thấy phù hợp với thực tiễn. Đồng thuận với phương án phục hồi di tích gốc với đoạn đường hầm 67m và giải phóng mặt bằng một phần để thực hiện dự án. Hiện nay thôn Vệ (khu vực cổng chính của di tích) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết khu dân cư tỷ lệ 1/500, đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương

“Di tích địa đạo kháng chiến Nam Hồng huyện Đông Anh là một di tích đặc biệt quan trọng ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nam Hồng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thời gian qua Thành ủy, UBND TP luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo xây dựng đồ án quy hoạch nhằm cải tạo, khôi phục và lưu giữ di tích này. Tuy nhiên cho đến nay công tác triển khai chưa được thực hiện, hiện nay huyện đã hoàn thành kế hoạch triển khai và đang tổ chức hội thảo xin ý kiến đánh giá từ các chuyên gia” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho hay.

Đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân

Đến thời điểm hiện tại, huyện Đông Anh đã hoàn thiện đồ án tổng thể dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích địa đạo Nam Hồng, đồ án này đã được đơn vị chủ trì là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thuyết minh tổng thể và xin ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà quản lý. Theo ông Nguyễn Văn Luân – nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Anh, giá trị của di tích địa đạo Nam Hồng được khẳng định từ rất lâu qua các giai đoạn lịch sử của huyện. Việc Thành ủy, UBND TP và huyện đặc biệt quan tâm đến dự án đầu tư tư bổ, tôn tạo và khôi phục khu di tích là chủ trương phù hợp với ý Đảng, lòng dân, là sự cần thiết để phát huy giá trị di tích trong thời điểm hiện nay.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Luân cho rằng cần phải có sự quyết tâm để thực hiện dự án.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Luân cho rằng cần phải có sự quyết tâm để thực hiện dự án.

“Tôi cho rằng, cần phải có sự quyết tâm trong thực hiện dự án; đầu tư phải gắn với phát huy, nhưng việc phát huy là quan trọng nhất; phục dựng lại làng kháng chiến xưa qua đó mới thấy được hình ảnh lịch sử xưa được tái hiện tại đây. Hiện nay, dự án đã nhận được sự đồng thuận từ cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân nên cần phải gấp rút thực” – ông Nguyễn Văn Luân nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến đã đề xuất đưa ra, ông Nguyễn Đức Biền – Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho rằng, đây là cơ hội thuận lợi để Nhân dân Đông Anh tiến hành triển khai thực hiện dự án vì có ý nghĩa lớn và cần thiết trong quá trình Đông Anh đầu tư xây dựng huyện thành quận.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Đức Biền góp ý vào đồ án cải tạo, khôi phục di tích địa đạo Nam Hồng.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Đức Biền góp ý vào đồ án cải tạo, khôi phục di tích địa đạo Nam Hồng.

“Nhưng trong quá trình triển khai cần phải tôn trọng lịch sử, tu bổ, tôn tạo tôn trọng nguyên gốc giá trị lịch sử. Đồng thời phải làm ngay việc giải phóng chợ, vỉa hè lòng đường ngay trước cổng khu di tích, mà không cần chờ dự án triển khai; quá trình tu bổ, tôn tạo phải đảm bảo giữ nguyên gốc các hạng mục hiện có. Đặc biệt, huyện phải lựa chọn các phần việc để thực hiện được ngay trong thời gian ngắn, có tiến độ cụ thể đối với từng công việc để dự án được triển khai hiệu quả” – ông Nguyễn Đức Biền nói.

Trong khi đó, Phó trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội) Dương Ngọc Long khẳng định, tên gọi dự án: “Tu bổ, tôn tạo, phục hồi khu di tích lịch sử địa đạo Nam Hồng, huyện Đông Anh” nội hàm đã bao gồm việc phát phát huy giá trị di tích là nguyên tắc cần phải thực hiện trong bất cứ dự án tu bổ, tôn tạo di tích nào. “Nhưng huyện cần làm rõ sự cần thiết, vị trí, hạng mục đầu tư như: Khu vực tiếp đón; mô phỏng làng kháng chiến; khu trải nghiệm và xây dựng mô hình quản lý di tích sau đầu tư... để hoàn thiện lại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình các đơn vị chuyên ngành thẩm định theo quy định pháp luật” – ông Long kiến nghị.

Là người dành nhiều sự quan tâm đến các khu di tích lịch sử huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội TS Nguyễn Thị Dơn ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo huyện Đông Anh qua các thời kỳ, các cấp ủy đảng, chính quyền đối với dự án và tầm quan trọng của dự án cũng như sự cần thiết phải thực hiện dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích địa đạo Nam Hồng.

“Tuy nhiên, theo tôi đồ án thiết kế cần bổ sung sự cần thiết đầu tư, giá trị của dự án, làm nổi bật hết giá trị của di tích (đường địa đạo nối các làng kháng chiến với nhau); lũy phục dựng để phục vụ cho làng kháng chiến, mô hình làng kháng chiến, phương án xây dựng nhà sinh hoạt truyền thống, tượng đài... vì biểu tượng không phải của riêng Nam Hồng, mà là của huyện Đông Anh, nên cần phải nghiên cứu cho kỹ hơn” – TS Nguyễn Thị Dơn phân tích.

Theo chỉ đạo từ Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, đơn vị được giao triển khai sẽ phải nhanh chóng hoàn tất các hồ sơ, đồ án thiết kế trên cơ sở các góp ý của chuyên gia, nhà quản lý và phải hoàn thiện vào quý III/2024.