Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đông Anh: Lượng rác thải chôn tập trung giảm 70%

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh đã được nhân rộng ra toàn bộ 24/24 xã, thị trấn, một số địa bàn điểm tỷ lệ rác thải không phải qua chôn lấp giảm từ 50 – 70%.

Ngày 14/4, đoàn công tác của Sở TN&MT Đà Nẵng đã có chương trình làm việc chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường xây dựng TP xanh tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Chương trình làm việc tập trung chia sẻ việc triển khai các mô hình, sáng kiến của các địa phương, cộng đồng như khu dân cư phát triển bền vững, xử lý rác hữu cơ, rác nông nghiệp, trường học xanh, kiểm soát khí thải xe máy.

Cán bộ phòng TN& MT huyện Đông Anh giới thiệu cách sử dụng men vi sinh ủ rác thải hữu cơ thành phân bón.
Cán bộ phòng TN& MT huyện Đông Anh giới thiệu cách sử dụng men vi sinh ủ rác thải hữu cơ thành phân bón.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn, ông Nghiêm Thọ Thoan - Phòng TN&MT huyện Đông Anh cho biết: Huyện đã triển khai thí điểm và nhân rộng 24 xã, thị trấn trong đó 3 xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng) các thôn, làng đạt tỷ lệ triển khai 100%; 20 xã, thị trấn còn lại ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nhà đến hết tháng 2/2022 có 7.621 hộ tham gia triển khai.

“Riêng tại 9 xã Liên Hà, Dục Tú, Mai Lâm, Cổ Loa, Bắc Hồng, Nam Hồng, Việt Hùng, Tàm Xá, Uy Nỗ tỷ lệ lượng rác giảm không phải chôn lấp ở bãi tâp trung đạt từ 50% -70% tổng lượng rác thải phát sinh của các hộ được kiểm kê (trong đó 59% là rác hữu cơ, 12% là rác tái chế)”, ông Nghiêm Thọ Thoan thông tin.

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, kết quả vận chuyển rác trên địa bàn huyện đến khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021: 83.147 tấn, trung bình phát sinh 227 tấn/ngày; So sánh với lượng rác phát sinh năm 2020: 87.556 tấn, trung bình phát sinh 239 tấn/ngày thì lượng rác phát sinh năm 2021 giảm hơn khoảng 12 tấn/ngày, để đạt được kết quả đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình.

“Một trong những kết quả quan trọng đó là nhận thức của người dân về việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã được nâng lên, từng bước hình thành ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, đặc biệt là việc ứng dụng phương pháp lỹ thuật mới để biến rác thành phân bón hữu cơ sử dụng trong trồng trọt…”, ông Nghiêm Thọ Thoan cho biết thêm.

Theo đánh giá, nếu tích cực triển khai nhiệm vụ phân loại, xử lý rác thải tại nguồn sẽ nâng cao được nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển, đem chôn lấp, thu được nguồn phân bón hữu cơ và một số nguyên liệu có thể tái chế, góp phần cải thiện chất lượng không khí, môi trường, sức khỏe người dân.