Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đông Anh: Phát triển không gian đô thị giữa lòng nông thôn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụ thể hóa định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, Huyện ủy Đông Anh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU, phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố trong năm 2022.

Huyện Đông Anh đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng những công viên mini phục vụ nhu cầu vui chơi cho Nhân dân. Ảnh: Trọng Tùng  
Huyện Đông Anh đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng những công viên mini phục vụ nhu cầu vui chơi cho Nhân dân. Ảnh: Trọng Tùng  

Nâng cấp đồng bộ hạ tầng cơ sở

Huyện Đông Anh là một trong những địa phương đầu tiên của TP Hà Nội về đích xây dựng NTM nông thôn mới. Đây cũng là địa phương có tốc độ phát triển về hạ tầng kinh tế - xã hội nhanh nhất của Thủ đô, đặc biệt là hệ thống giao thông, thiết chế văn hóa, không gian công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa cây xanh...

Sau khi Nghị quyết số 250-NQ/HU về “5 có, 3 không” được Huyện ủy Đông Anh ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung triển khai, thực hiện. Trọng tâm là rà soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch; chủ động bố trí ngân sách để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các thôn làng, tổ dân phố. Quá trình triển khai, huyện Đông Anh thường xuyên đánh giá, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để tập trung cải thiện.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, việc triển khai Nghị quyết “5 có 3 không” tại một số địa phương còn chậm, chưa bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch. Cá biệt có nơi thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các nội dung mà Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh đã quyết nghị.

“Thời gian qua, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoàn thành Nghị quyết “5 có, 3 không” đối với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa định hướng xây dựng huyện Đông Anh thành quận, xã - thị trấn thành phường…” - ông Nguyễn Tuấn Hà thông tin thêm.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Để Nghị quyết số 250-NQ/HU đi vào thực tiễn, huyện Đông Anh đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng ban chức năng định kỳ rà soát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đối với từng tiêu chí cụ thể; tập trung huy động, cân đối và phân bổ hợp lý nguồn lực của huyện theo thẩm quyền, quy định của pháp luật và thứ tự ưu tiên.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, trong quá trình triển khai nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cơ sở. Trên cơ sở đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung tiêu chí trong thực hiện “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố nhằm bảo đảm tính cấp thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn tại mỗi đơn vị.

Theo ông Lê Trung Kiên, việc hoàn thành đề án “5 có, 3 không” là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ huyện Đông Anh, có tính cấp thiết, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Trong đó, sự đồng thuận, chung tay thực hiện của các tầng lớp Nhân dân đóng vai trò quyết định.

“Nghị quyết “5 có, 3 không” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu phát triển của huyện Đông Anh. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022 của mỗi cơ quan, đơn vị, cán bộ, người lao động, nhất là người đứng đầu trong tổ chức triển khai các nội dung thành phần…” - Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên nhấn mạnh.

 

Theo Nghị quyết số 250-NQ/HU của Huyện ủy Đông Anh, “5 có” gồm: Có nhà văn hóa; có công viên mini, điểm sinh hoạt cộng đồng; có sân bóng đá; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh; có điểm thu gom, tập kết phế thải xây dựng. “3 không” gồm: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo.