Huyện Đông Anh: Thị trường nhà đất đang trầm lắng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2022 đến nay huyện Đông Anh (Hà Nội) đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng các khu đấu giá đất, những tưởng hoạt động trên sẽ khiến nhà đất tiếp tục tăng giá, nhưng trên thực tế thị trường nhà đất khu vực này đang khá trầm lắng.

Nhu cầu giảm mạnh

Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường nhà đất huyện Đông Anh liên tục ghi nhận những đợt “sốt” bởi thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng để đưa huyện trở thành đơn vị hành chính cấp quận. Trên thực tế, với việc được đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến Nhật Tân - Nội Bài hay hàng loạt dự án lớn được TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, như: Công viên Kim Quy, Công viên phần mềm, Trung tâm Triển lãm quốc gia... đã tạo thời cơ "thổi giá" đất trong thời gian qua của "cò" đất.

Cụ thể, trong đợt “sốt” cuối quý I/2021 giá nhà đất một số khu vực (Kim Chung, Xuân Canh, Vĩnh Ngọc, Hải Bối...) tăng gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Tiếp đà tăng giá trên, đến hết quý I/2022, thị trường nhà đất khu vực này lại ghi nhận tăng thêm 20 - 30% so với thời điểm cách đây 1 năm.

Đơn cử tại xã Kim Chung, những tháng cuối năm 2021 giá đất trung bình khoảng 30 triệu đồng/m2, tăng lên 35 - 40 triệu đồng/m2; xã Cổ Loa tăng 25% từ 28 triệu đồng/m2 lên 35 triệu đồng/m2; xã Đông Hội tăng 26% lên xấp xỉ 40 triệu đồng/m2... Tuy nhiên, từ đầu quý II/2022 đến nay thị trường nhà đất ở những khu vực này đã trầm lắng một cách lạ thường.

Thị trường nhà đất huyện Đông Anh đang có dấu hiệu trầm lắng. Ảnh: Mai Vân
Thị trường nhà đất huyện Đông Anh đang có dấu hiệu trầm lắng. Ảnh: Mai Vân

“Từ đầu quý II/2022 đến nay giá nhà đất trên địa bàn không ghi nhận có sự thay đổi về giá bán, việc tiếp nhận hồ sơ xin xác nhận của chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng, giao dịch rất ít. Bên cạnh đó, công tác đấu giá quyền sử dụng đất cũng gặp nhiều khó khăn, một phần do người dân nhận thấy giá đất thời điểm này khó tăng nhanh nên không muốn tham gia, đã có hiện tượng “bỏ cọc” của một số người tham gia đấu giá đất nhằm mục đích “lướt sóng” kiếm lời” - Chủ tịch UBND xã Kim Chung Lê Thị Vân Huyền thông tin.

Trong khi đó, số liệu khảo sát thị trường từ batdongsan.com.vn cũng chỉ ra rằng, thời gian gần đây nhu cầu tìm kiếm BĐS ở một số địa bàn đã từng xảy ra “sốt đất” thời gian qua, như: Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai... giảm trung bình hơn 10%. Như vậy, có thể thấy, ở thời điểm hiện tại nhu cầu đầu kinh doanh nhà đất ở địa bàn huyện Đông Anh đã giảm mạnh so với thời điểm cách đây 1 năm, thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng cục bộ.

Giá nhà đất “vượt” ngưỡng thị trường

Cũng theo số liệu khảo sát thị trường của batdongsan.com.vn và một số website về nhà đất uy tín, nếu như vào thời điểm đỉnh "sốt đất" hồi tháng 3/2021, đất nền dự án trên địa bàn huyện Đông Anh giá trung bình từ 50 - 80 triệu đồng/m2, đến nay vẫn được giữ nguyên nhưng gần nhu không có giao dịch. Tương tự, đất trong khu dân cư giai đoạn “sốt” giá từ 40 - 100 triệu đồng/m2, cá biệt khu vực gần với đường lớn gần tuyến Nhật Tân - Nội Bài hay cạnh quốc lộ 23B lên tới 150 triệu đồng/m2, nay đã giảm khoảng 5 - 10% nhưng lượng giao dịch cũng không nhiều.

“Không khó để lý giải về tình trạng trên, vì thực tế không chỉ riêng huyện Đông Anh mà một số huyện ngoại thành của Hà Nội được quy hoạch thành quận thời gian qua cũng chứng kiến tình trạng “sốt đất” khi có thông tin quy hoạch hạ tầng. Những đợt “sốt” đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa và người dân có nhu cầu để ở cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch” - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.

Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, thị trường nhà đất tại địa bàn huyện Đông Anh từ đầu quý II/2022 đến nay rơi vào tình trạng ảm đạm, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã hết kiên nhẫn và không còn kỳ vọng vào việc tăng giá đột biến ở thời điểm này nên đang đẩy mạnh các kênh marketing để rao bán hàng nhằm thu hồi lại vốn, nhưng thực tế giá rao cũng không thấp hơn nhiều so với thời điểm đỉnh “sốt” vì vậy rất ít giao dịch được thực hiện.

Ngoài ra, một số môi giới nhà đất trên địa bàn huyện cũng thừa nhận tình trạng “sốt đất ảo” là có thật, nhưng không phải ở tất cả các khu vực, mà chỉ tăng ở một số vị trí, vì vậy các chuyên gia cho rằng để hiểu được nguyên lý về giá rao và giá giao dịch thì khi có thông tin về giá xuất hiện trên thị trường người dân cần phải rà soát lại xem nguồn hình thành nên giá đất có chính xác hay không?; đồng thời phải xác minh rõ tính pháp lý, thông tin quy hoạch và cẩn trọng đối với một số hình thức làm giả thông tin, giả quy hoạch.

Đại diện UBND huyện cho biết, huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn siết chặt công tác thanh kiểm tra hoạt động giao dịch mua bán nhà đất trên địa bàn, đặc biệt là công tác đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm khắc phục tồn tại và xử lý vi phạm nếu có nhằm đảm bảo sự minh bạch của thị trường và quyền lợi của người dân. Đồng thời cũng đưa ra cảnh báo trước thông tin tăng giá, sốt đất, người mua cần hết sức tỉnh táo, tránh trường hợp môi giới tự ý đẩy giá đất lên mà người dân không nắm được thông tin, dẫn đến bất ổn về thị trường bất động sản tại khu vực.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban, các đơn vị liên quan phối hợp tuyên truyền đến người dân, tránh để những nhà môi giới tự ý đẩy giá đất lên mà người dân không nắm được thông tin, dẫn đến bất ổn trong diễn biến về bất động sản" - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nói.