Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đông Anh xử lý dứt điểm nhiều vi phạm về đất

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng (TTXD); đồng thời ngăn chặn kịp thời vi phạm mới phát sinh, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã ra quân xử lý hàng loạt vụ vi phạm trên địa bàn.

Cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, tình trạng vi phạm TTXD trên đất nông nghiệp trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã xử lý 1.795 vụ việc vi phạm đất đai. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi cưỡng chế không chấp hành lại tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình kiên cố. Đơn cử là ở địa bàn xã Thụy Lâm, mới đây huyện đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm TTXD trên đất nông nghiệp đối với 21 hộ gia đình và yêu cầu thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, tại khu 6 - khu 7 xã Thụy Lâm, các hộ gia đình đã xây dựng công trình kiên cố, như nhà ở cấp 4, kho – xưởng tập kết hàng hóa và chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đáng quan ngại, khu vực này án ngữ ngay lối vào khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng quốc gia – Đền Sái. Vào năm 2017, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế nhưng sau đó những hộ gia đình này lại tiếp tục xây dựng, cơi nới thêm nhiều hạng mục mới.

Trong số 21 hộ gia đình vi phạm, có 3 chủ hộ đã mất (nhưng có người thừa kế), nên công tác cưỡng chế sẽ được thực hiện làm 2 đợt. Đợt 1 (ngày 11 – 12/3) đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ đối với 18 hộ đầy đủ hồ sơ, thủ tục cưỡng chế; đợt 2 (trong tháng 3/2021) tiếp tục vận động 3 gia đình người thừa kế tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. “Toàn bộ diện tích cưỡng chế đều là đất công ích và đất nông nghiệp giao cho người dân theo Nghị định 64/NĐ-CP. Khu vực cưỡng chế theo kế hoạch của huyện trong thời gian tới sẽ mở rộng đường giao thông, xây dựng các hạng mục công trình công cộng, cây xanh... nhằm phục vụ khách thập phương đến tham quan, lễ hội Đền Sái” – ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.

Tăng cường công tác quản lý

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dũng, việc xử lý vi phạm TTXD trên đất nông nghiệp của huyện trong thời gian qua được tập trung thực hiện đồng bộ, nhưng một số xã thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm cũ tồn đọng, để xảy ra một số vi phạm mới. Để khắc phục tình trạng trên huyện đã tăng cường công tác rà soát, phân loại để thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD), trong 5 năm từ 2016 – 2020 huyện đã cấp xong GCNQSD cho 64.094/64.094 thửa đất đủ điều kiện; thửa đất chưa đủ điều kiện cấp GCNQSD đất được cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai. Cùng với đó, việc lập hồ sơ cấp GCNQSD đất cho tổ chức, tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn cũng được đẩy mạnh, trên địa bàn huyện có 567 địa điểm đất cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Huyện, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Đến nay, huyện đã tiến hành kê khai xong hồ sơ để đăng ký đất đai, cấp GCNQSD đất cho 140 cơ sở tín ngưỡng, 104 cơ sở tôn giáo.

“Đến thời điểm hiện tại, huyện đã xây dựng xong đề án “Tăng cường quản lý, khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường và giải phóng mặt bằng” giai đoạn 2020 – 2025. Bên cạnh việc rà soát để cấp GCNQSD đất đối với những thửa đất đủ điều kiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết tồn tại về vi phạm giao cấp đất trái thẩm quyền giai đoạn trước đây; huyện sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm vi phạm còn tồn tại, kiên quyết xử lý, ngăn chặn kịp thời, triệt để vi phạm mới phát sinh“ – ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm.
Tính đến hết năm 2020, UBND huyện Đông Anh đã cấp xong 14.961 giấy xác nhận đăng ký đất đai đối với toàn bộ các thửa đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận trên địa bàn.