Huyện Gia Lâm: khai mạc lễ hội đền - chùa Bà Tấm năm 2025
Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến và lãnh đạo huyện Gia Lâm.



Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh cho biết: Ỷ Lan Linh nhân Hoàng Thái hậu là một trong những danh nhân có tài trị nước xuất chúng của dân tộc. Bà tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7/3/1044, cha là Lê Công Thiết, mẹ là Vũ Thị Tỉnh. Bà chính quê làng Thổ Lỗi, sau đổi thành Siêu Loại, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Năm 1063, vua Lý Thánh Tông về chùa Dâu cầu tự. Vua và quần thần vãn xem phong cảnh trong vùng, chợt thấy trên nương có người con gái hái dâu, tựa vào gốc lan mà hát trong ngày hội. Vua thấy lạ, vời xuống hỏi sự tình, thấy cô gái hái dâu Lê Thị Yến bội phần xinh đẹp, lại đối đáp lưu loát, thông minh, vua cảm mến đưa về triều đình phong làm Cung phi, xây một cung điện riêng (nay là đình Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) đặt tên là Cung Ỷ Lan, để nhớ sự tích cô gái dựa gốc cây lan buổi đầu gặp gỡ.

Sau khi vào cung, Ỷ Lan Nguyên phi đã khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách nên chỉ trong thời gian ngắn, bà đã có được sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt trong đời sống, chính trị. Hai lần đất nước gặp lâm nguy, bà đã thay chồng và con hai lần nhiếp chính. Với tài trị nước xuất chúng của bà, nước Đại Việt bước nhanh trên con đường cường thịnh, văn hiến.
Từ những đóng góp trên, bà đã được tôn phong Mẫu nghi thiên hạ, Thượng đẳng tối Linh Thần; được Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận là người phụ nữ huyền thoại thế giới. Chùa Linh Nhân Tư Phúc do chính Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng và khánh thành vào năm 1115 tại quê hương của bà. Năm 1117 bà qua đời, ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng trong khuôn viên chùa. Cụm di tích đền - chùa Bà Tấm được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1996.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, xã Dương Xá luôn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị tại Di tích lịch sử, văn hóa đền - chùa Bà Tấm. Nhiều bảo vật tại cụm di tích được bảo vệ giữ gìn, trong đó có tượng đôi sư tử đá thời Lý và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Năm 2025, lễ hội đền - chùa Bà Tấm diễn ra từ ngày 15 - 20/3 (tức ngày 16 đến 21/2 âm lịch). Ngoài các nghi lễ truyền thống, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, thể thao như: thi đấu bóng chuyền hơi, bóng chuyền da; bóng đá, kéo co, nhảy bao bố, chơi cờ tướng, tổ tôm; liên hoan văn nghệ quần chúng, hát quan họ...

Huyện Gia Lâm: 96,25% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”
Kinhtedothi-Ngày 6/1/2025, UBND huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tổng kết công tác khối văn hóa - xã hội và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Công bố quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Gia Lâm
Kinhtedothi-Chiều 12/2, Huyện ủy Gia Lâm tổ chức hội nghị công bố các quyết định về hợp nhất tổ chức bộ máy, tổ chức Đảng của Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Huyện ủy. Dự hội nghị có Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đinh Văn Khóa và lãnh đạo huyện Gia Lâm.

Huyện Gia Lâm: Toạ đàm 80 năm ngày Nhân dân Trung Mầu khởi nghĩa giành chính quyền
Kinhtedothi-Ngày 7/3/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Gia Lâm phối hợp với Đảng ủy xã Phù Đổng tổ chức hội nghị tọa đàm "Trung Mầu - quê hương cách mạng và Anh hùng", nhân kỷ niệm 80 năm ngày Nhân dân Trung Mầu khởi nghĩa giành chính quyền (10/3/1945 - 10/3/2025).