Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Hoài Đức: gắn nông thôn mới nâng cao với xây dựng huyện thành quận

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện “mục tiêu kép” xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và hoàn thành các tiêu chí huyện thành quận, diện mạo huyện Hoài Đức đang đổi thay từng ngày, mang vóc dáng của một đô thị văn minh, hiện đại.

Phát triển kinh tế, từng bước hoàn thiện hạ tầng khung

Sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2017, quán triệt chỉ đạo của T.Ư, TP và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025), huyện Hoài Đức đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện song hành 2 nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao gắn với “Đề án xây dựng huyện thành quận”.

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát nhiệm vụ thực tế; ưu tiên tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã. Xây dựng thị trấn Trạm Trôi đạt chuẩn đô thị văn minh. Đồng thời đề ra các giải pháp chiến lược để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kinh tế, du lịch thương mại, tạo tiền đề hoàn thành các tiêu chí phường, quận bảo đảm theo lộ trình, tiến độ.

Một góc khu đô thị Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức. Ảnh: Trần Thụ
Một góc khu đô thị Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức. Ảnh: Trần Thụ

Với mục tiêu hướng tới kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, Hoài Đức lấy nông nghiệp nông thôn làm cơ sở cho sự ổn định và phát triển, công nghiệp, thương mại - dịch vụ làm mũi nhọn. Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh; có cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư và phát triển mới DN.

Đến nay trên địa bàn huyện có 9 cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả, nhiều mô hình sản xuất mới ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người lao động. Đồng thời để tạo nội lực bền vững trong xây dựng NTM, Hoài Đức chú trọng đầu tư, giữ gìn, phát triển 54 làng nghề, trong đó có 12 làng nghề truyền thống.

Doanh thu tại các làng nghề hiện chiếm gần 40% tổng giá trị ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện. Tại các làng nghề hiện có gần 400 DN và hơn 7.900 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 44.000 lao động trong và ngoài địa phương.

Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm; trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.

Toàn huyện hiện có 82,27ha gồm các loại hoa màu và trái cây được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 78,22ha trồng rau an toàn, cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; có 4 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 1 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, 114 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng đạt từ 3 sao trở lên.

Huyện cũng đã đầu tư xây dựng 5 điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP. Đây được coi là một khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hoài Đức Bùi Thế Gia cho biết: "Hệ thống giao thông “khung” trên địa bàn được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch; hệ thống điện chiếu sáng được phủ kín.

Đến nay 19 xã trên địa bàn hiện có 774,51km đường giao thông gồm 75,95 km đường trục xã, liên xã,102,87km đường trục thôn, liên thôn, 295,77km đường ngõ xóm và 284,57km đường trục chính nội đồng đã được đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí giao thông".

Cùng với đó, huyện đã đối ứng đầu tư mở mới nhiều tuyến đường liên khu vực, đường trục huyện như: đường LK1, LK6, LK8, ĐH 03, ĐH 04, ĐH 06… để kết nối giữa các khu vực của huyện và các địa phương lân cận. Đồng bộ các tuyến đường có hành lang cho người đi bộ; các tuyến đường, trục đường đều được trồng cây xanh, có đầy đủ hạng mục phụ trợ.

Mạng lưới điện của huyện được đầu tư hiện đại theo tiêu chí linh hoạt, thông minh, có mức độ tự động hóa cao, bán kính cấp điện giảm, tiết kiệm năng lượng. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã đầu tư 24 dự án đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện với tổng giá trị 277,1 tỷ đồng. Hiện ngành điện đang quản lý 809 trạm biến áp với 813 máy biến áp 515,935kVA; 352,14km đường dây trung thế và 441 km đường dây hạ thế.

Đô thị trong tương lai gần

Song song với phát triển kinh tế, thời gian qua các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở tại Hoài Đức đã được đầu tư đồng bộ. 100% các xã, thị trấn của huyện đã và đang đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa cấp xã. 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi vườn hoa, sân chơi công cộng đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư. Toàn huyện có 132/134 thôn, làng, tổ dân văn hóa; 19/19 xã đạt chuẩn văn hóa NTM, tỷ lệ số hộ gia đình văn hóa đạt trên 98%.

Cùng với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được huyện đặc biệt chú trọng, dành nhiều kinh phí đầu tư. Hiện Hoài Đức đang triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa quy mô 500 giường, đáp ứng tiêu chí quận. 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Tổng số người tham gia BHYT trên toàn địa bàn đạt 95,5%.

Hệ thống mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản từng bước được chuẩn hóa và hiện đại hóa. Đến nay 100% các trường học từ cấp Mầm non đến THCS đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất. 4/4 trường THPT công lập đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, trong đó trường THPT Hoài Đức C đạt chuẩn mức 2.

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và đô thị văn minh, hiện đại, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện đã chuyển biến tích cực. Các cụm công nghiệp, làng nghề thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xã, thị trấn tăng cường công tác thu gom rác, xử lý môi trường. Đến nay 100% các xã, thị trấn của Hoài Đức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung đạt 100%.

Kết quả xây dựng huyện NTM nâng cao, chính là tiền đề, là động lực vững chắc để Hoài Đức hoàn thành các tiêu chí còn thiếu trên hành trình trở thành quận; phấn đấu đưa Hoài Đức trở thành quận “Xanh - Văn minh - Hiện đại” trong tương lai gần. Đây cũng là minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi và quyết tâm chính trị cao của huyện trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…

 

Đến hết năm 2023, huyện Hoài Đức có 16/19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm tỷ lệ 84,2%), 3/19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ 15,7%), hoàn thành 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Huyện đạt 27/31 tiêu chí quận; 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí phường về cơ sở hạ tầng. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 78,34 triệu đồng/người. Huyện duy trì không còn hộ nghèo và nỗ lực xóa hộ cận nghèo trong năm 2024.