Huyện Hoài Đức: Sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin đến phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Trưởng phòng GĐ&ĐT huyện Hoài Đức Vương Văn Lâm cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới 2021 -2022 trong hoàn cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu tháng 8, ngành GD&ĐT Hoài Đức đã chuẩn bị phương án để dạy và học theo hình thức trực tuyến.

Để chủ động cho việc dạy và học theo hình thức trực tuyến, trong tháng 8/2021, Phòng GD&ĐT Hoài Đức đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên cấp tiểu học về tăng cường kỹ năng quản lý lớp học trực tuyến. Bồi dưỡng việc xây dựng lớp học, trường học trực tuyến dựa trên nền tảng Google Classroom; sử dụng Google Meet trong dạy học trực tuyến, kết nối với Google Classroom. Sử dụng Padlet trong công tác chủ nhiệm và giảng dạy của giáo viên; sử gụng Google Drive trong lưu trữ, chia sẻ tài liệu, làm việc nhóm nhằm trang bị thêm cho giáo viên kỹ năng sử dụng CNTT trong dạy học trực tuyến. 
 
 Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, việc dạy và học trực tuyến, nhưng các trường học trên địa bàn Hoài Đức vẫn có biểu ngữ chào mừng năm học mới.
Trong các ngày từ 14 đến 26/8, tổ chức bồi dưỡng và tập huấn cho toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên cấp THCS trực tiếp giảng dạy lớp 6 về nội dung, phương pháp giảng dạy các bộ sách giáo khoa lớp 6 do các nhà trường lựa chọn. Từ ngày 20 đến 24/8, tổ chức bồi dưỡng và tập huấn cho toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên cấp tiểu học trực tiếp giảng dạy lớp 2 về nội dung, phương pháp giảng dạy các bộ sách giáo khoa lớp 2 do các nhà trường lựa chọn.
 Trong quá trình tập huấn, kết hợp tổ chức chuyên đề ở một số môn học với bài học khó, nhằm cụ thể và làm rõ nội dung, phương pháp giảng dạy. Giúp giáo viên định hình hướng thực hiện giảng dạy và cùng đồng nghiệp chia sẻ, trao đổi những băn khoăn, trăn trở trong chuyên môn, đồng thời được học hỏi, hướng dẫn từ các chuyên gia, trước khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới trong năm học…
Ở từng cấp học, Phòng GD&ĐT đã có kế hoạch cho việc dạỵ học online cụ thể. Với giáo dục mầm non, cần hướng dẫn đến cha mẹ các cháu cách chăm sóc, giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho trẻ và thực hiện chế độ các bữa ăn ở gia đình…Đối với giáo dục phổ thông, hướng dẫn học sinh làm quen với chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập; ôn tập, củng cố kiến thức cũ.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT còn chỉ đạo các nhà trường, trên cơ sở nội dung tập huấn của phòng, cần chú trọng tập huấn cho giáo viên về các phương tiện dạy học trực tuyến; cách thức xây dựng kho học liệu điện tử và xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ và lôi cuốn đối với học sinh…
 Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh trong việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch. Tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên tiêm phòng vắc xin theo yêu cầu của cơ quan y tế. Tuyên truyền, động viên cha mẹ học sinh sẵn sàng chung tay, chia sẻ khó khăn với nhà trường. Hỗ trợ con trong việc học trực tuyến, giúp giáo viên thực hiện giảng dạy đảm bảo yêu cầu kiến thức và kỹ năng cho con trong từng bài học. 
 Vì dịch bệnh, năm nay việc dạy và học ở các cấp học đều phải tiến hành theo hình thức online
Khuyến khích giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường sự hợp tác với đồng nghiệp và nêu cao tinh thần vượt khó để cùng ngành giáo dục huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022. Phòng GD&ĐT Hoài Đức cũng yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP, của huyện về công tác phòng chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch bệnh như máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, các biện pháp theo dõi tình hình sức khỏe học sinh (cài đặt ứng dụng Bluezon, khai báo y tế trên mã QR)… để khi điều kiện cho phép học sinh đến trường – mọi thứ đã sẵn sàng!
Trước câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị về tình huống một số con em gia đình khó khăn về kinh tế; không có điều kiện mua sắm thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh…) phục vụ học tập, ông Vương Văn Lâm cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện chỉ khoảng còn 50 trường hợp gia đình khó khăn, không đủ điều kiện mua sắm thiết bị cho con em. Tuy nhiên, cán bộ, giáo viên trong huyện đã vận động tiền bạc, ủng hộ thiết bị cũ cho các cháu, vì vậy chắc chắn 100% học sinh trên địa bàn sẽ đủ điều kiện phương tiện để học online.
“Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho dạy và học; chỉ chờ tiếng trống khai giảng năm học mới từ TP”- ông Vương Văn Lâm khẳng định.