Thông thường lễ hội các vùng ở xứ Bắc thường gắn với đình chùa, miếu mạo, tại huyện Hoài Đức cũng không phải ngoại lệ. Vào mùa lễ hội ở huyện Hoài Đức, các lễ hội Giang Xá (thị trấn Trôi), rước Giá (xã Yên Sở), rước lợn (xã La Phù)… thường được nhắc đến.
![Màn rước kiệu của một lễ hội trên địa bàn huyện Hoài Đức](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/18/man-ruoc.jpg)
Theo “danh mục tổng kiểm kê di tích của TP Hà Nội”, huyện Hoài Đức có 269 di tích, trong đó 111 di tích được xếp hạng (69 di tích cấp Quốc gia, 42 di tích cấp TP). Đặc biệt trên địa bàn huyện có di tích thờ Lý Bí - vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam và Lý Phục Man, người có công xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập vào thế kỷ thứ VI.
Cùng với đó, theo “Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể TP", huyện Hoài Đức có 55 di sản văn hóa phi vật thể, gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, di sản ưu tiên bảo vệ, 1 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh và 5 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, 1 Nghệ nhân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
![Màn rước lợn của thôn Tiền Phong tại lễ hội làng La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/18/le-lp.jpg)
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, từ trung tuần tháng 12/2024, huyện Hoài Đức đã lên kế hoạch “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Hoài Đức năm 2025”. Theo đó yêu cầu các lễ hội phải được tổ chức tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Việc tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức của Nhân dân khi tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Ngoài ra các địa phương còn thực hiện số hóa các lễ hội truyền thống, UBND các xã, thị trấn thực hiện số hoá (quay phim, chụp ảnh…) các lễ hội trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên thực hiện số hoá các lễ hội có quy mô tổ chức đại đám. Căn cứ tình hình thực tế và các nguồn lực của địa phương, khuyến khích thực hiện tối đa số hóa các lễ hội truyền thống để làm tư liệu phục vụ công tác quản lý di tích, di sản đồng thời quảng bá giá trị văn hóa, phát triển du lịch địa phương.
![Ngành chức năng huyện Hoài Đức kiểm tra an toàn thực phẩm tại lễ hội thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/18/kiem-tra-thuc-pham.jpg)
Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, để công tác quản lý và tổ chức được chặt chẽ, nghiêm túc, UBND huyện Hoài Đức đã giao trách nhiệm cụ thể cho đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Cùng với đó, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường theo quy định.
Để hoạt động lễ hội diễn ra vui vẻ, an toàn, UBND huyện Hoài Đức đã thành lập đoàn liên ngành, nhằm kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trao đổi với chúng tôi, Phó phòng VH&TT huyện Hoài Đức Hoàng Anh cho biết, qua kiểm tra tại lễ hội đình thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, diễn ra trong 3 ngày, từ 8 đến 10 tháng Giêng hàng năm). Đoàn kiểm tra của huyện ghi nhận, đánh giá cao công tác tổ chức lễ hội của thôn. Phần nghi lễ được tổ chức trang trọng, các hoạt động đan xen diễn ra phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia lễ hội. Các hoạt động diễn ra trong quá trình tổ chức đảm bảo an toàn, kiết kiệm, không phô trương, hình thức, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo…
![Đêm hội làng La Phù năm 2025 đã thu hút hàng vạn người tham gia.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/18/pl1.jpg)
Lần đầu tiên được tham dự lễ hội Lễ hội truyền thống xã La Phù, anh Đỗ Tùng Dương cho biết: “tôi đã định cư ở La Phù được 5 năm, nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia lễ hội. Hàng ngàn người tham gia rước “ông lợn”, nhưng lễ hội diễn ra trong an toàn, hòa nhã. Việc được tham gia lễ hội không những là niềm vui của người dân xã La Phù, mà với cả những du khách đến nơi đây”.