Huyện Mê Linh: Gom đất hàng trăm hộ dân, thành lập hợp tác xã phát triển hiệu quả vùng trồng sen

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thuê khoán hàng chục héc-ta đất nông nghiệp bỏ không của người dân, anh Lã Văn Khanh bắt tay vào trồng sen. Vừa qua, anh đã cùng một số thành viên lập nên hợp tác xã (HTX), liên kết với đối tác phát triển sản phẩm trà sen.

Giá trị kinh tế vượt trội
Anh Lã Văn Khanh được xem là người tiên phong trong phát triển nghề trồng sen ở huyện Mê Linh. Từ năm 2011, nhận thấy nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp của bà con thôn Liễu Trì (xã Mê Linh) bị bỏ không do canh tác lúa kém hiệu quả, anh đã thuê khoán để nuôi trồng thủy sản.
Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm được kỹ thuật nuôi trồng nên giá trị từ thủy sản không cao. Sau nhiều ngày tháng suy nghĩ, từ năm 2016, anh Khanh chuyển sang trồng sen; hiệu quả mang lại là rất tích cực. Từ 5ha ban đầu, anh mở rộng diện tích lên thành 40ha. Đây là diện tích anh thuê lại từ hàng trăm nông dân thôn Liễu Trì không sử dụng.
Nông dân thu hoạch sen tại huyện Mê Linh. Ảnh: Thuý Vi.
Hàng năm, anh Khanh sẽ trả cho các hộ dân sản lượng khoảng 25kg thóc/sào thuê mướn. Anh cũng chấp thuận cho các hộ dân được nhận đền bù tài sản trên đất trong trường hợp những diện tích này bị Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mê Linh.
Để tạo vùng sản xuất và phát triển sản phẩm trà sen, anh Khanh cùng một số đồng nghiệp đã đứng ra thành lập HTX làng nghề sen Mê Linh. Hiện, trên diện tích khoảng 60ha, HTX đang trồng đa dạng các loại sen phục vụ nhu cầu chơi hoa, ướp trà của người dân. Giá trị mang lại từ trồng sen cao hơn canh tác lúa truyền thống ít nhất 5 lần. 
Hướng đến tiêu chuẩn hoá sản phẩm
Cùng với duy trì ổn định diện tích trồng sen hiện có, HTX làng nghề sen Mê Linh đã liên kết với HTX Tâm Trà Thái của tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, HTX cung cấp hoa sen để đối tác thực hiện việc ướp trà. Song hành với liên kết trên, HTX làng nghề sen Mê Linh cũng từng bước học hỏi, xây dựng quy trình ướp trà riêng. Hiện, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường từ 1 - 2 tấn trà sen. 
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, ngoài xã Mê Linh, trên địa bàn huyện còn phát triển một số diện tích trồng sen tại các xã: Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tam Đồng, Chu Phan, Tiền Phong. Hầu hết người trồng cũng đều là thành viên, cung ứng một phần hoa sen cho HTX làng nghề sen Mê Linh. 
Để thúc đẩy phát triển nghề trồng sen, UBND huyện đã hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm trà sen của HTX làng nghề sen Mê Linh. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành xây dựng thành công thương hiệu “Sen Mê Linh”. Điều này đã và đang giúp sản phẩm trà sen của HTX từng bước có được chỗ đứng trên thị trường. 
Đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết thêm, hiện, trên địa bàn huyện đang quy hoạch nhiều dự án phát triển giao thông, đô thị. Điều này có thể ảnh hưởng đến định hướng nhân rộngcủa nghề trồng sen. Tuy nhiên, trước mắt đây vẫn là hướng phát triển kinh tế phù hợp với những diện tích đất nông nghiệp vùng trũng thấp trên địa bàn. Địa phương sẽ tiếp tục duy trì diện tích hiện có gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm từ sen.
“Thời gian tới, huyện Mê Linh cần tiếp tục đẩy mạnh các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, như vùng trồng sen hiện có. Đồng thời từng bước nâng cấp sản phẩm trà sen, phấn đấu đưa vào đánh giá, phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021...” - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần