Huyện Mê Linh: Lao động di cư không đơn độc trong đại dịch Covid-19

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất của đại bộ phận người dân. Ở đó, lao động di cư là một trong những nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất. Trước bối cảnh trên, bằng nhiều cách làm chủ động, huyện Mê Linh đã huy động đa dạng nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ ổn định cuộc sống cho hàng trăm lao động di cư hiện đang “mắc kẹt” trên địa bàn.

Tha phương là điều không ai muốn
Từ xã Mường Hung, huyện sông Mã (tỉnh Sơn La), anh Lò Văn Khụt (sinh năm 1988) tìm về xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) để làm thợ xây. Nơi mảnh đất xa xôi cách Thủ đô gần 300 km, anh Khụt cùng gia đình chỉ biết trông vào vài sào nương rẫy. Nhưng việc canh tác không phải lúc nào cũng thuận lợi.
“Năm nào mưa thuận gió hoà thì được mùa. Nhưng mấy năm gần đây canh tác gặp nhiều khó khăn. Gia đình vẫn cấy hái, nhưng những khi nông nhàn, tôi đều phải lặn lội xuống Hà Nội để đi làm công, kiếm thêm thu nhập gửi về cho gia đình” – anh Lò Văn Khụt cho biết. 
Bà Bùi Thị Kiều từ tỉnh Hoà Bình tìm về huyện Mê Linh để làm thuê. Ảnh: Trọng Tùng.
Dòng đời cũng đưa đẩy bà Bùi Thị Kiều từ xã Tân Lập (huyện Lạng Sơn, tỉnh Hoà Bình) tìm về những công trường để kiếm kế sinh nhai. Người phụ nữ sinh năm 1968 nhận làm công việc bếp núc cho nhóm 18 công nhân đang làm việc tại một công trình xây dựng trên địa bàn huyện Mê Linh.
Hôm chúng tôi về, 18 người phải sinh sống chung với nhau trong một khu xưởng lợp mái tôn diện tích chừng 100m2. Không gian đó cũng là nơi chứa xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng nói chung… Cuộc sống chung đụng nhiều bất tiện, nhưng không còn cách nào khác bởi thu nhập hạn chế.
“Không có việc làm, tôi cũng muốn về quê lắm. Nhưng nay đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên việc đi lại hết sức khó khăn. Thú thực với chú, phải tha phương cầu thực là điều không ai muốn, nhưng vì mưu sinh nên không biết phải làm sao…” – bà Bùi Thị Kiều tâm sự.
Không để một ai phải thiếu đói
Anh Khụt và bà Kiều chỉ là hai trong số hơn 500 lao động di cư từ các địa phương khác tìm về huyện Mê Linh để mưu sinh. Hầu hết trong số này là công nhân làm việc trên các công trường xây dựng, nhà hàng ăn uống, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng… Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công việc tạm thời bị gián đoạn. 
Thu nhập của những lao động di cư dao động dao động trong khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày (tuỳ loại hình công việc). Dù vậy gần 1 tháng qua, nguồn thu nhập này không còn nữa, trong khi các chi phí sinh hoạt cơ bản như tiền nhà trọ, ăn uống vẫn phải chi tiêu. 
Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám trao những suất quà hỗ trợ dành cho lao động di cư trên địa bàn ổn đinh cuộc sống.
Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám cho biết, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, huyện đã chủ động nắm bắt khó khăn của nhóm đối tượng lao động tự do bị “mắc kẹt” trên địa bàn. Theo đó, đơn vị đã phối hợp với UBND 18 xã, thị trấn tập trung kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ nhu yếu phẩm. Đến nay, anh Khụt, bà Kiều và hơn 500 lao động từ các tỉnh, TP bị mắc kẹt trên địa bàn đã được huyện hỗ trợ ổn định cuộc sống trong đại dịch.
Trong công tác xã hội này, huyện Mê Linh nhận được sự hỗ trợ chung tay của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Điển hình như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và thương mại Phương Linh hỗ trợ 95 suất quà, hay Hợp tác xã làng nghề Sen Mê Linh tặng 39 suất quà cho lao động di cư. Các phần quà gồm nhu yếu phẩm thiết yếu như: Gạo, nước mắm, dầu ăn…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, chủ trương của huyện là không để bất cứ lao động di cư nào trên địa bàn phải thiếu đói. Cùng với nguồn lực huy động của Phòng LĐ,TB&XH, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động kêu gọi, vận động xã hội hoá trong công tác chăm lo cho nhóm đối tượng này. 
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng LĐ,TB&XH huyện phối hợp với các xã, thị trấn tập trung rà soát, thống kê các trường hợp lao động từ các tỉnh, TP hiện còn đang mắc kẹt trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống. Nhằm chăm lo tốt hơn cho nhóm đối tượng này, địa phương cũng mong muốn thường xuyên nhận được sự đồng hành, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân, cùng sẻ chia để lao động di cư không đơn độc trong cuộc chiến chống Covid-19...” – ông Lê Văn Khương cho biết thêm.

“Những lao động nghèo chúng tôi hiện nay không có thu nhập nên cuộc sống bị ảnh hưởng khá nhiều. Trong khó khăn, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Mê Linh và các tổ chức, đơn vị. Đây sẽ là động lực để chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt…”, chị NôngThị Tươi (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn). 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần