Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Mê Linh: Nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng giữa ảnh hưởng của dịch Covid-19

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh vẫn tăng trưởng ấn tượng trên tất cả lĩnh vực theo định hướng phát triển hàng hóa.

Theo thống kê, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 của huyện Mê Linh ước đạt 1.339,5 tỷ đồng, bằng 72,34% kế hoạch, tăng 3,9% so cùng kỳ. Đáng chú ý, cả 3 nhóm lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), lâm nghiệp và thủy sản đều tăng trưởng dương với mức tăng lần lượt so với cùng kỳ năm 2020 là: 3,8%; 6,7% và 6,7%.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, nhờ thời tiết vụ Xuân thuận lợi nên năng suất các loại cây trồng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, mức tăng cao nhất ghi nhận trong nhóm ngành hoa và cây cảnh các loại với 8,7%. Đây cũng là lĩnh vực chiếm đến 42,8% giá trị sản xuất của toàn ngành trồng trọt.
Các nhóm lĩnh vực nông nghiệp của huyện Mê Linh đều tăng trưởng dương trong nửa đầu năm 2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện duy trì ở mức ổn định. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng đàn gia cầm tăng 1,2%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 0,3%. Trứng gia cầm tăng 2,3%. Trong khi thịt trâu, bò hơi và lợn hơi xuất chuồng tăng lần lượt 0,9% và 1,3%.
Dù diện tích nuôi trồng thủy sản từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện Mê Linh ước giảm 0,2% (tương ứng khoảng 0,7 ha), tuy nhiên tổng sản lượng thủy sản vẫn đạt 334,7 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thủy sản khai thác đạt 63 tấn, tăng 2,7%; thủy sản nuôi trồng đạt 271,7 tấn, tăng 6,3%. 
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp năm 2021, nhiệm vụ trước mắt đặt ra đối với địa phương là hoàn thành tốt sản xuất vụ Mùa. Cùng với đó, tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu, giống cây trồng theo định hướng chú trọng phát triển các loại cây có năng suất, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức sản xuất an toàn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, quản lý dịch hại trên cây trồng, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi… Từ nay đến cuối năm 2021, huyện phấn đấu hướng dẫn công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho khoảng 6.000 lượt nông hộ và các cán bộ làm công tác chăn nuôi thú y, bảo vệ thực vật từ huyện đến xã.
“Địa phương đang thí điểm phát triển mô hình nuôi gà Mía thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và nuôi dê thịt tại các xã ven sông. Hướng đến tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có chất lượng, sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” - ông Lê Văn Khương cho hay.