Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Ba nhà hưởng lợi từ liên kết tiêu thụ lúa gạo

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tạo đầu ra ổn định cho lúa gạo, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lê Thanh (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) đã liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được duy trì hai năm qua mang lại lợi ích cho nhiều bên tham gia.

Vài năm gần đây, hộ ông Đinh Văn Bình (xã Lê Thanh) gom đất nông nghiệp của bà con để canh tác lúa gạo tập trung. Hiện, gia đình ông duy trì khoảng 20 sào trồng lúa mỗi vụ. Bình quân một sào cho thu hoạch từ 2,5 - 3 tạ thóc. 
Điều đáng nói, ông Bình không phải mang lúa gạo đi bán ở đâu xa xôi mà được HTX Nông nghiệp Lê Thanh kế nối doanh nghiệp, thu mua tại chỗ. Giá thu mua của HTX cũng tốt và được duy trì ổn định qua nhiều mùa vụ từ năm 2020 đến nay.
Xe hàng của doanh nghiệp về tận đồng ruộng thu mua lúa gạo cho nông dân xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Trọng Tùng.
Không chỉ hộ ông Bình, khoảng 185 hộ nông dân tại xã Lê Thanh, thành viên của HTX Nông nghiệp Lê Thanh cũng đang tham gia vào mô hình kinh tế tập thể hiệu quả này. Diện tích canh tác của các hộ vào khoảng 30ha, với tổng sản lượng mỗi vụ thu hoạch từ 30 - 50 tấn.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Lê Thanh Phạm Văn Hai cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra cho lúa gạo, đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp lúa gạo cho Công ty TNHH lương thực Long Vũ ở huyện Lục Bình (tỉnh Hà Nam). Đến cuối vụ, xe hàng của doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua lúa gạo của bà con.
Theo ông Hai, việc liên kết tiêu thụ đã được HTX ký kết với Công ty TNHH lương thực Long Vũ từ vụ Xuân năm 2020. Đặc biệt, giá thu mua được doanh nghiệp này trả từ 6.000 - 6.2000 đồng/kg thóc tươi, mức giá được xem là tốt hơn so với bình quân chung thị trường. 
Để tạo được chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm lúa gạo, nhiều năm qua, gần 200 nông hộ xã Lê Thanh duy trì phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX cũng hướng dẫn, hỗ trợ thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác; cung ứng các giống lúa mới chất lượng cao để bà con trồng khảo nghiệm, đánh giá và nhân rộng… 
Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Phạm Trọng Của cho biết, mô hình liên kết giữa HTX Nông nghiệp Lê Thanh và Công ty TNHH lương thực Long Vũ đã cho thấy hiệu quả tích cực, mang lại giá trị cho doanh nghiệp - HTX và đặc biệt là người nông dân. Dù vậy, đây mới chỉ là “điểm sáng” hiếm hoi, và địa phương còn nhiều việc cần làm để có thể nhân rộng mô hình này.
Cùng với phát triển sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thời gian tới, UBND xã Lê Thanh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là những diện tích bưởi, táo nằm ven sông Đáy. Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích bà con sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.