Bức tranh làng nghề
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, cán bộ và Nhân dân huyện Phú Xuyên đã và đang lưu giữ tinh hoa nghề thủ công từ bao đời nay. Đây không chỉ là nơi sản xuất ra những sản phẩm mỹ nghệ nổi tiếng mà còn là nơi bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề Việt Nam.
Huyện Phú Xuyên nổi bật với những làng nghề hàng trăm năm tuổi, mỗi làng nghề mang một nét độc đáo riêng biệt. Làng nghề mây tre đan Phú Túc, một trong những làng nghề nổi tiếng nhất ở Phú Xuyên đã đưa sản phẩm đến thị trường các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Đức...
Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Túc như rổ, rá, đồ trang trí đều bền chắc và thân thiện với môi trường, làm nổi bật kỹ thuật đan lát truyền thống với đôi tay khéo léo của người dân nơi đây. Ngoài duy trì nghề, sản phẩm làng nghề đã giải quyết việc làm, giúp nhiều gia đình thoát nghèo.
Bên cạnh làng nghề mây tre đan Phú Túc, làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm khảm trai tinh xảo. Mỗi sản phẩm ở đây, từ bình, tủ đến các bức tranh khảm đều là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của làng nghề. Nghề khảm trai nơi đây đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo đã được truyền lại qua bao thế hệ như một báu vật gia truyền.
Làng nghề mộc mỹ nghệ Tân Dân, nổi tiếng với kỹ thuật chạm trổ, là nơi mà những khúc gỗ vô tri trở nên sống động nhờ bàn tay của người nghệ nhân. Những sản phẩm của làng nghề được nhiều du khách tìm mua, không chỉ bởi giá trị nghệ thuật mà còn vì chất lượng bền đẹp.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, dù có bề dày truyền thống, nhưng làng nghề ở Phú Xuyên cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời kỳ hiện đại do sức tiêu thu thuyên giảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế xã hội.
Hy vọng mới cho làng nghề truyền thống
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bắc ở làng khảm trai Chuyên Mỹ chia sẻ, nhu cầu thị trường thay đổi, nhiều người trẻ không còn mặn mà với nghề thủ công truyền thống nữa. Để thích ứng, các làng nghề đã thử nghiệm bán hàng qua các kênh trực tuyến như Facebook, TikTok và livestream.
Những buổi livestream bán hàng không chỉ giúp người dân làng nghề tiếp cận với nhiều khách hàng mới mà còn mở rộng thị trường ra các nước trên thế giới. Các sản phẩm từ mây tre đan hay khảm trai nay đã có thể đến tay khách hàng từ xa, giúp làng nghề duy trì sự sống và khẳng định giá trị văn hóa độc đáo.
Chính quyền huyện Phú Xuyên và TP Hà Nội đã hỗ trợ nhiều chương trình đào tạo kỹ năng số, tạo điều kiện thuận lợi để làng nghề thích nghi với kỷ nguyên số. Những nỗ lực này góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống, giúp các sản phẩm thủ công của huyện Phú Xuyên không chỉ đẹp về hình thức mà còn giữ vững chất lượng và giá trị văn hóa truyền thống.
Sự kết hợp giữa sản phẩm truyền thống và hiện đại đang mở ra hướng đi mới cho làng nghề của huyện Phú Xuyên hôm nay. Các làng nghề không chỉ sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề, tạo ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế và bảo tồn nghề.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, hiện nay, khi du khách đến với các làng nghề không chỉ được thỏa sức chọn lựa, mua sắm mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất, tìm hiểu sâu sắc hơn về tinh hoa của sản phẩm làng nghề Việt Nam.
Với sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và những nỗ lực không ngừng của người dân địa phương, làng nghề Phú Xuyên hứa hẹn sẽ trở thành một trong những điểm đến văn hóa và du lịch độc đáo, tôn vinh giá trị thủ công truyền thống Việt Nam.
“Đây là hành trình ý nghĩa, kết nối quá khứ và hiện tại hướng đến sự phát triển, lưu giữ hồn cốt dân tộc trong dòng chảy hiện đại hóa. Sự nỗ lực gìn giữ giá trị sản phẩm làng nghề thể hiện trách nhiệm của thế hệ đi trước truyền lửa cho thế hệ đi sau..” - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính nhấn mạnh.