Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phú Xuyên di dời khẩn cấp 68 hộ dân khu Bãi Chim đến nơi an toàn

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do mực nước sông Hồng dâng nhanh, đạt mức báo động 1, các khu vực ngoài đê sông Hồng của huyện Phú Xuyên đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, tại khu dân cư Bãi Chim, xã Khai Thái, nước lũ đã gây ngập và chia cắt giao thông.

Các khu dân cư ngoài đê sông Hồng của huyện Phú Xuyên hiện nay nước dâng cao, đi lại gặp nhiều khó khăn.
Các khu dân cư ngoài đê sông Hồng của huyện Phú Xuyên hiện nay nước dâng cao, đi lại gặp nhiều khó khăn.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, để di chuyển từ khu dân cư vào trong đê, người dân chỉ có thể sử dụng xe tải lớn hoặc thuyền. Trong bối cảnh khẩn cấp này, ngay trong sáng 10/9, Thường trực Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để triển khai nhiệm vụ.

Trong đó, lãnh đạo huyện đã yêu cầu toàn bộ các lực lượng của huyện và xã nhanh chóng vận động, thông báo khẩn cấp sơ tán người dân và di dời tài sản, vật nuôi là gia súc, gia cầm ra khỏi vùng nguy hiểm để vào khu vực dân cư bên trong đê sông Hồng.

Các khu dân cư ngoài đê sông Hồng thuộc huyện Phú Xuyên nước lũ đã dâng cao
Các khu dân cư ngoài đê sông Hồng thuộc huyện Phú Xuyên nước lũ đã dâng cao

Đến chiều 10/9, đã có tổng số 68 hộ gia đình ở khu vực Bãi Chim thuộc xã Khai Thái đã được chính quyền địa phương vận động và kịp thời hỗ trợ di dời an toàn đến địa điểm trường mầm non của xã ở phía bên trong đê.

Bí thư Đoàn xã Khai Thái Đàm Quang Đạt cho biết, công tác di dời diễn ra khẩn trương, nhanh gọn, đặc biệt cán bộ đoàn xã là lực lượng xung kích đã tập trung ưu tiên hỗ trợ các gia đình có người già và trẻ nhỏ.

Huyện Phú Xuyên đã bố trí trường mầm non ở các xã ven đê để sẵn sàng di dời dân trong những ngày tới, nếu có các diễn biến xấu về thời tiết
Huyện Phú Xuyên đã bố trí trường mầm non ở các xã ven đê để sẵn sàng di dời dân trong những ngày tới, nếu có các diễn biến xấu về thời tiết

Chủ tịch UBND xã Khai Thái Nguyễn Huy Tiền cho biết, xã đã huy động tối đa lực lượng để bảo đảm việc người dân được sơ tán đến nơi an toàn, với đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy nhiên, công tác di dời tài sản, nhất là gia súc, gia cầm, vật nuôi cũng gặp nhiều khó khăn, do đường giao thông bị chia cắt, số lượng vật nuôi lớn...

Tại xã Hồng Thái, lực lượng chức năng cũng ứng trực 24/24h tại khu vực đê bối thôn Duyên Yết. Đồng thời xây dựng các phương án đối phó với tình huống lũ sông Hồng lên cao. Chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.

Người dân xã Khai Thái hỗ trợ người dân ở Bãi Chim di dời tài sản vào trong đê.
Người dân xã Khai Thái hỗ trợ người dân ở Bãi Chim di dời tài sản vào trong đê.

Còn tại thôn Đại Gia, xã Nam Tiến, các hộ dân sinh sống ở vùng ngoài đê sông Hồng cũng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ sơ tán, di chuyển vào khu vực an toàn trong khu dân cư bên trong đê.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh yêu cầu các địa phương phải ứng trực 24/24h, sẵn sàng ứng cứu các đoạn đê bao yếu và kịp thời sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập lụt. Mục tiêu quan trọng nhất của huyện là bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân trong mọi tình huống.