Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phú Xuyên được phân thành 3 vùng chức năng cơ bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Huyện Phú Xuyên được phân thành 3 vùng chức năng cở bản gồm: Vùng phát triển đô thị, vùng kiểm soát phát triển đô thị - hành lang xanh, vùng kiểm soát đặc biệt.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5517/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Xuyên đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Theo quyết định, tổng diện tích tự nhiên của huyện 17.110,4 ha, trong đó: Đất khu vực đô thị năm 2020 khoảng 1.388,6ha, năm 2030 khoảng 2.205,37ha; đất khu vực nông thôn năm 2020 khoảng 15 609,5ha, năm 2030 khoảng 14.905,03ha. Dự kiến quy mô dân số toàn huyện đến năm 2020 khoảng 215.000 người; năm 2030 khoảng 245.000 người. Trong đó, dân số khu vực đô thị đến năm 2020 khoảng 60.000 người, năm 2030 khoảng 80.000 người; dân số khu vực nông thôn đến năm 2020 khoảng 155.000 người, năm 2030 khoảng 165.000 người.
Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Phú Xuyên.
Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Phú Xuyên.
Huyện Phú Xuyên được phân thành 3 vùng chức năng cở bản. Vùng phát triển đô thị là vùng xây dựng thuộc đô thị vệ tinh. Vùng gồm có 2 thị trấn Phú Xuyên, Phú Minh và các xã Đại Thắng, Quang Trung, Sơn Hà, Phúc Tiến, Nam Triều, Nam Phong, Văn Nhân, Thụy Phú...  

Vùng kiểm soát phát triển đô thị - hành lang xanh: Là một bộ phận của hành lang xanh Thủ đô có chức năng phân tách không gian đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm điểm dân cư nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Vùng bao gồm các xã Văn Hoàng, Phượng Dực, Đại thắng, Quang Trung, Tân Dân, Sơn Hà, Hoàng Long, Hồng Minh, Phú Túc, Chuyên Mỹ, Tri Trung, Hồng Thái, Thụy Phú, Nam Phong, Nam Triều, Phúc Tiến, Minh Tân, Khai thái, Quang Lãng, Tri Thủy, Bạch Hạ, Châu Can, Phú Yên, Vân Từ, Đại Xuyên. Vùng được phân thành 5 vùng cụm xã, mỗi cụm xã có 1 trung tâm cụm xã (cụm đổi mới) tại Văn Hoàng, Hồng Thái, Hoàng Long, Minh Tân và Châu Can. 

Còn vùng kiểm soát đặc biệt là vùng khu vực ngoài đê chiếm một phần diện tích tự nhiên của các xã Thụy Phú, Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng. Các hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng các công trình trong phạm vi bãi sông, hành lang đê điều tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão và tiêu thoát lũ.

Thị trấn Phú Xuyên có vai trò là trung tâm huyện lỵ, có chức năng trung tâm hành chính, dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, văn hóa của huyện Phú Xuyên và hỗ trợ phát triển vùng nông thôn phía Nam huyện trong giai đoạn hình thành đô thị vệ tinh. Thị trấn Phú Minh có vai trò là trung tâm dịch vụ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ cho các khu vực phát triển giai đoạn đầu tại đô thị vệ tinh. Hai thị trấn này sẽ phát triển, mở rộng về phía Tây, gắn kết với không gian của đô thị vệ tinh sẽ hình thành trong giai đoạn dài hạn…

Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 40km; phía Bắc giáp huyện Thường Tín; phía Nam giáp huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp sông Hồng và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; phía Tây giáp huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Với diện tích đất tự nhiên 17.104,6ha; trong đó, đất canh tác trồng trọt là 11.329,9ha chiếm 66,24%; đất ở 1.120,9ha chiếm 6,95%; đất chuyên dùng chiếm 3.235,9ha chiếm 18,92%; còn lại là đất chưa sử dụng. Trước đây Phú Xuyên là vùng đất trũng, có cốt đất thấp so với một số đơn vị lân cận, phía Đông cao hơn phía Tây, nên về mùa mưa bão hay bị ngập úng, lụt lội. Một số xã giáp sông Hồng có đất pha cát, còn gọi là đất màu, diện tích khoảng 2000ha.

Trên địa bàn huyện có trên 30km sông chảy qua đó là sông Hồng, sông Nhuệ, sông Duy Tiên, sông Lương, sông Vân Đình. Phú Xuyên cũng có hệ thống giao thông rất thuận lợi, có tuyến đường sắt Bắc-Nam dài gần 12km chạy qua, tuyến đường thủy sông Hồng dài 17km, tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ dài 7km, điểm đầu đường Cầu Giẽ-Ninh Bình, đường Quốc lộ 1A dài 12km trên địa bàn huyện, đó là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội của Phú Xuyên.