Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phúc Thọ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với phát triển về số lượng sản phẩm OCOP, huyện Phúc Thọ đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ cho các chủ thể; trong đó có việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ), được niêm yết trên trang www.hn.check.net.vn.
Chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ), được niêm yết trên trang www.hn.check.net.vn.

Được thành lập năm 2018, VinaBisca đang dần trở thành thương hiệu sản xuất các sản phẩm bánh kẹo có tiếng ở Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung. Xưởng sản xuất của VinaBisca tại Khu công nghiệp Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) đang cung ứng cho thị trường nhiều sản phẩm đa dạng, đã được TP chứng nhận OCOP như: Kẹo lạc, kẹo dồi, bánh vừng, kẹo dẻo trái cây, bánh khảo…

Đáng chú ý, hiện nay thay vì tìm mua ở các cửa hàng truyền thống, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận những sản phẩm bánh kẹo 3 sao OCOP của VinaBisca thông qua các trang thương mại điện tử đang rất thịnh hành, với lượng tương tác cao như Shopee hay Lazada. Trang web Vinabisa.vn cũng đã được xây dựng để mở rộng quảng bá các sản phẩm bánh kẹo.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, tính đến nay, toàn huyện đã có 53 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, năm 2019 có 8 sản phẩm, năm 2020 có 20 sản phẩm, năm 2021 có 25 sản phẩm. Dự kiến năm 2022, huyện tham gia đánh giá, phân hạng đối với 17 - 20 sản phẩm.

Cùng với phát triển về mặt số lượng, huyện Phúc Thọ cũng đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP của huyện thường xuyên góp mặt tại các hội chợ, sự kiện quảng bá, giới thiệu và kết nối giao thương do Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tổ chức.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Phúc Thọ đã xây dựng được trang web riêng và tham gia các sàn thương mại điện tử. Ngoài bánh kẹo VinaBisca như đề cập ở trên, chuối của xã Vân Nâm, thú nhồi bông ở xã Tam Hiệp cũng đã xuất hiện trên nhiều kênh thương mại điện tử. Các sản phẩm thịt lợn sinh học, rau an toàn Thanh Đa, đông trùng hạ thảo Võng Xuyên, bưởi Tam Vân...., cũng đã được cấp mã số truy xuất nguồn gốc và niêm yết công khai trên trang hn.check.net.vn.

“Vừa qua, huyện Phúc Thọ đã phối hợp với một số đơn vị tiến hành ký biên bản ghi nhớ của 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây là giải pháp nhằm mở rộng kênh tiêu thụ cho sản phẩm OCOP của huyện, thích ứng với đòi hỏi và yêu cầu về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại hiện nay…” - ông Nguyễn Đình Sơn cho biết thêm.