Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ cho biết, tính từ ngày 1/1/2022 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 291 ca mắc dịch sốt xuất huyết. Toàn huyện đã phát sinh 22 ổ dịch tại 20/21 xã, thị trấn. Riêng xã Thanh Đa có 2 ổ dịch, các xã, thị trấn còn lại, mỗi địa phương ghi nhận 1 ổ dịch.
Thống kê cho thấy, xã Liên Hiệp là địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với 55 ca. Tiếp đến là xã Thanh Đa 51 ca, xã Tam Hiệp 49 ca, xã Hát Môn 37 ca, xã Vân Phúc 20 ca... Đến nay, số bệnh nhân đã khỏi là 275 trường hợp.
Diễn biến của dịch sốt xuất huyết phù hợp với dự báo, do sốt xuất huyết thường diễn biến theo chu kỳ 4 - 5 năm. Trước đó vào năm 2017, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát phức tạp trên địa bàn Hà Nội, trong đó có huyện Phúc Thọ.
Ngay khi phát hiện ca mắc dịch sốt xuất huyết, các xã, thị trấn đã thông báo tình hình bệnh nhân trên địa bàn xã, tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết để người dân biết và thực hiện.
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương tích cực triển khai hoạt động tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, xử lý triệt để ổ bọ gậy nguồn, bể nước, téc nước được bịt kín nắp hoặc thả cá diệt bọ gậy. Xây dựng kế hoạch chi tiết cho hoạt động mở rộng phạm vi xử lý ổ dịch sốt xuất huyết.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ Hà Tiến Lương cho biết, từ khi dịch sốt xuất huyết chưa bùng phát, từ đầu năm 2022, UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh. Phân công cụ thể từng thành viên phụ trách các lĩnh vực, các xã, thị trấn. Đồng thời, ban hành nhiều văn chỉ đạo về phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác.
Ngành y tế huyện Phúc Thọ cũng tăng cường giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp xử lý, thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế ca nặng, chuyển viện. Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh; phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng, chống thích hợp.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ cho biết thêm, hiện nay đơn vị tiếp tục duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả tuyến huyện, xã. Thực hiện xử lý ca bệnh, ổ dịch triệt để. Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng.
“Trung tâm Y tế huyện cũng đã dự trù thuốc điều trị, các trang thiết bị, hóa chất cho hoạt động phòng, chống dịch. Từ đó, luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh, ngăn chặn nguồn bệnh ngay từ đầu…” - ông Hà Tiến Lương thông tin thêm.
Để tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.