Lễ hội đền Hát Môn sẽ diễn ra trong 3 ngày: 23, 24, 25/4/2023 (tức mùng 4, 5, 6 tháng 3 năm Quý Mão), tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ). Khác với năm 2022, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức dâng hương kỷ niệm 1980 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng (43 - 2023) vào chính hội (25/4).
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Lê Tiến Hải, lễ hội truyền thống đền Hát Môn (6/3 âm lịch) đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Đây là lễ hội được tổ chức quy mô cấp vùng nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của Hai Bà Trưng - 2 vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc với điểm độc đáo riêng có là nghi thức rước và dâng cúng bánh trôi.
Nhằm chuẩn bị tốt cho tổ chức lễ hội, trước đó, UBND huyện Phúc Thọ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, phòng, ngành liên quan. Trong đó giao UBND xã Hát Môn là thường trực Ban Tổ chức, chịu trách nhiệm chính tổ chức lễ hội, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chi tiết và kịch bản lễ hội, đảm bảo phần lễ trang nghiêm, phần hội vui tươi, an toàn, lành mạnh.
Từ ngày 23 - 24/4 (mùng 4, 5 tháng 3 âm lịch), lễ hội đền Hát Môn sẽ diễn ra các nghi thức thuộc phần lễ gồm lễ của dân làng, lễ của khách thập phương, tổ chức tế cáo yết, tế của các di tích thuộc Hội liên hiệp các di tích thờ Hai Bà Trưng và tướng lĩnh của Hai Bà Trưng.
Phần hội gồm tổ chức hội thao công nhân viên chức và người lao động huyện Phúc Thọ, chương trình văn nghệ quần chúng, hội diễn văn nghệ đàn hát dân ca và nhạc cổ truyền và tổ chức các trò chơi dân gian.
Ngày 25/4 (ngày 6/3 âm lịch) tương truyền là ngày giỗ Hai Bà, bao gồm các hoạt động rước lễ làng, tế chính tiệc; Lễ dâng hương kỷ niệm 1980 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng (43 - 2023); tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ quần chúng. Đặc biệt là lễ rước bánh trôi từ UBND xã Hát Môn về đền Hát Môn.
Theo Trưởng Ban Quản lý di tích đền Hát Môn Nguyễn Quốc Thắng, lễ rước bánh trôi trong lễ hội năm nay dự kiến có sự tham gia của Nhân dân 11 thôn, khu dân cư. Những đĩa bánh trôi dâng lên Hai Bà Trưng được làm theo quy trình nghiêm ngặt. Gia đình được chọn làm bánh trôi cũng phải là những gia đình hoà thuận, không tang chế và đáp ứng nhiều yêu cầu khác.
Trên thực tế, lễ vật bánh trôi của người dân xã Hát Môn được cúng vào 3 kỳ lễ hội trong năm, trong đó đại tiệc bánh trôi là ngày 6/3 âm lịch, cũng là ngày giỗ của Hai Bà Trưng. Đây cũng là ngày mà toàn thể Nhân dân xã Hát Môn tưởng nhớ đến công lao, nghĩa khí của hai vị nữ anh hùng dân tộc, với ý chí tự lực, tự cường đã đứng lên tụ quân, dựng cờ khởi nghĩa...