Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phúc Thọ: Phát triển hạ tầng thương mại, thúc đẩy giao thương liên vùng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong định hướng phát triển đến năm 2025, huyện Phúc Thọ sẽ đầu tư xây dựng 7 chợ trung tâm xã, 6 siêu thị và 1 trung tâm thương mại mua sắm cấp vùng gắn với khai thác tiềm năng dịch vụ - du lịch, thúc đẩy giao thương, phát triển liên vùng.

Chưa có siêu thị, trung tâm thương mại

Trong những năm qua, hạ tầng thương mại được huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm, đầu tư. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 11 chợ gồm chợ trung tâm thị trấn Phúc Thọ, chợ xã Võng Xuyên, chợ xã Ngọc Tảo, chợ Bãi (xã Vân Phúc), chợ Hiệp (xã Tam Hiệp), chợ Dâu (xã Hiệp Thuận), chợ Gạch (xã Thọ Lộc), chợ Me (xã Tích Giang), chợ Hát (xã Hát Môn), chợ Bún (xã Phụng Thượng), chợ Triệu Xuyên (xã Long Xuyên).

Mặc dù vậy, huyện Phúc Thọ lại chưa có bất cứ siêu thị và trung tâm thương mại nào. Hệ thống các điểm thương mại, kinh doanh dịch vụ cũng được đánh giá là tương đối nhỏ lẻ, tồn tại xen kẽ trong các khu dân cư và trên các tuyến đường, tuyến phố, cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hoá thiết yếu hàng ngày của Nhân dân…

Chợ trung tâm thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ).
Chợ trung tâm thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ).

Nhìn nhận khách quan, công tác quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn huyện Phúc Thọ còn nhiều hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thương mại vẫn rất khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển dẫn đến hiệu quả kinh doanh thương mại còn thấp…

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, song song với những khó khăn, hạn chế, địa phương cũng có những lợi thế nhất định để có thể thúc đẩy phát triển thương mại. Phúc Thọ là vùng chuyển tiếp giữa huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây - hai địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tốc độ đô thị hoá.

Trên địa bàn huyện cũng có nhiều tuyến đường giao thông cấp vùng đi qua như Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 417 - 418 - 419 - 420 và 421, với quy mô từ 2 - 4 làn xe, có vai trò kết nối giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và giữa huyện với các địa phương lân cận. Đây là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy giao thương hàng hoá.

Phát triển thương mại gắn với dịch vụ - du lịch

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, phát triển hạ tầng thương mại là một trong những nội dung hết sức quan trọng được đề cập trong đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề trên địa bàn huyện Phúc Thọ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”. 

 

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn huyện Phúc Thọ có sự gia tăng qua từng năm. Nếu như năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ của địa phương chỉ khoảng 550 tỷ đồng, thì đến năm 2022, con số này đã đạt 5.460 tỷ đồng (theo giá thực tế).

Cụ thể hoá đề án trên, trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống các chợ truyền thống sẵn có trên địa bàn các xã, trọng tâm là chợ dân sinh (hạng III, bán lẻ). Lựa chọn kỹ các điều kiện để phát triển một số chợ đầu mối bán buôn nông sản gần các trung tâm tiêu dùng lớn.

Huyện cũng sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới cửa hàng mua bán truyền thống. Thành lập một số hợp tác xã thương mại - dịch vụ nhằm thực hiện dịch vụ “đầu vào” cho sản xuất và tổ chức “đầu ra”, tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể, nhất là người nông dân.

“Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi cũng đã được huyện đưa vào định hướng quy hoạch. Mục tiêu là thúc đẩy phát triển thương mại gắn với dịch vụ - du lịch, trên cơ sở tận dụng và phát huy hiệu quả những giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá, cũng như làng nghề truyền thống…” - ông Nguyễn Đình Sơn cho hay.

Trong kế hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức đầu tư xây dựng mới 7 chợ trung tâm xã gồm chợ Thượng Cốc, chợ Liên Hiệp, chợ Trạch Mỹ Lộc, chợ Xuân Phú, chợ Vân Hà, chợ Vân Nam, chợ Thanh Đa. Đồng thời, tập trung kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển 6 siêu thị và 1 trung tâm thương mại mua sắm cấp vùng nhằm thúc đẩy giao thương giữa huyện và các địa phương lân cận.