Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Sóc Sơn: hướng kinh tế mới từ cây ngưu bàng

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội thí điểm đưa cây ngưu bàng vào canh tác, huyện Sóc Sơn nhận về kết quả đánh giá bước đầu tích cực. Dù vậy, đầu ra cho loại cây dược liệu có nguồn gốc từ Nhật Bản này đang là vấn đề đặt ra.

Vùng trồng cây ngưu bàng ven sông Cà Lồ thuộc xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn).
Vùng trồng cây ngưu bàng ven sông Cà Lồ thuộc xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn).

Lãi gấp hàng chục lần canh tác lúa

Hơn 6 tháng trước, ông Hoàng Văn Trãi ở thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) quyết định chuyển đổi diện tích canh tác rau màu vùng đồng bãi ven sông Cà Lồ sang trồng cây ngưu bàng. Đó là thời điểm nhiều người vẫn còn hoài nghi về giá trị của loại cây dược liệu lần đầu được canh tác trên địa bàn xã.

Quá trình bắt tay vào trồng cây ngưu bàng, ông Trãi được Hội Nông dân huyện Sóc Sơn hỗ trợ 100% chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật. Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn phối hợp chặt chẽ, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi đồng ruộng, hướng dẫn gia đình ông Trãi chăm sóc vùng trồng.

Từ thực tế canh tác, ông Trãi đánh giá cây ngưu bang có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Qua 6 tháng chăm sóc, 1,5ha giống cây dược liệu mới, có nguồn gốc từ Nhật Bản này sinh trưởng, phát triển tốt và cho thấy sự phù hợp với vùng đồng bãi ven sông Cà Lồ.

Vừa qua, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn, Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn đã tiến hành thu hoạch để đánh giá chất lượng củ ngưu bàng. Theo đó, trung bình mỗi mét vuông diện tích đất nông nghiệp, ông Trãi thu được khoảng 2kg củ ngưu bàng tươi.

“Hiện, củ ngưu bàng được Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn thu mua tại ruộng với giá 90.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân hơn 400kg/sào, trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi thu về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/sào. So với canh tác lúa truyền thống thì giá trị cao gấp hàng chục lần…” - ông Trãi chia sẻ.

Đánh giá chất lượng củ ngưu bàng sau thu hoạch trên đồng ruộng.
Đánh giá chất lượng củ ngưu bàng sau thu hoạch trên đồng ruộng.

Mở rộng đầu ra cho cây ngưu bàng

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Hùng, giá trị kinh tế từ cây ngưu bàng bước đầu được khẳng định thông qua kết quả đánh giá thực tế trên đồng ruộng. Vấn đề cốt lõi hiện nay là đầu ra cho củ ngưu bàng cũng như các sản phẩm từ cây ngưu bàng.

Hiện nay, Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn đang đóng vai trò là đầu ra chủ yếu cho sản phẩm củ ngưu bàng. Toàn bộ diện tích canh tác loại cây dược liệu này đều được hợp tác xã thu mua để sản xuất xì dầu và tinh bột dùng cho thực phẩm, đồ uống.

Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Thu Nguyễn Đình Ứng cho biết, diện tích vùng đồng bãi trên địa bàn xã còn rất lớn. Địa phương sẵn sàng phối hợp, tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang canh tác cây ngưu bàng. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu, chuẩn bị đầu ra kỹ lưỡng thì rất dễ rơi vào tình trạng dư thừa.

“Cùng với việc tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất, từ cây lúa truyền thống sang canh tác cây ngưu bàng, địa phương mong muốn các phòng ban của huyện đẩy mạnh liên kết chuỗi; tạo đầu ra ổn định, bền vững cho loại cây dược liệu mới này…” - ông Ứng nói thêm.

Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền, hiện nay, đơn vị đang phối hợp hỗ trợ nông dân hai xã Xuân Thu, Xuân Giang phát triển vùng trồng và chăm sóc cây ngưu bàng. Toàn bộ diện tích canh tác loại cây dược liệu này được hợp tác xã ký hợp đồng thu mua tại ruộng với giá cạnh tranh, tốt cho bà con nông dân.

Ngoài sản phẩm xì dầu đỗ đen - ngưu bàng, thời gian tới hợp tác xã sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất ra hạt nêm và ruốc ăn chay từ củ ngưu bàng. Việc tăng cường chế biến, tạo ra những sản phẩm mới sẽ giúp gia tăng khối lượng tiêu thụ củ ngưu bàng, giúp mở rộng đầu ra cho loại cây dược liệu có nguồn gốc từ Nhật Bản này.

 

“Tăng cường chế biến là giải pháp quan trọng để có thể thúc đẩy tiêu thụ các loại cây dược liệu nói chung hiện nay. Riêng đối cây ngư bàng, hiện mới đang được trồng thử nghiệm tại số ít địa phương nên quy trình canh tác, chăm sóc và thu hoạch vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao giá trị kinh tế, giảm công thu hái…” - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Bùi Thị Loan.