Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư
Hiện nay, ngoài Phòng Y tế với chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực y tế, huyện Sóc Sơn còn có 1 bệnh viện đa khoa hạng 2 với quy mô 360 giường bệnh; 1 Trung tâm Y tế; 5 phòng khám đa khoa khu vực; 26 trạm y tế xã, thị trấn và 32 cơ sở kinh doanh dược.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 400 cơ sở y tế ngoài công lập; trong đó, 60 cơ sở khám chữa bệnh và 340 cơ sở kinh doanh dược. 5 đơn vị y tế quân đội đóng trên địa bàn cũng góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cơ sở vật chất y tế ngày một được đầu tư nâng cấp đồng bộ với nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại.
Ông Phạm Quang Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết từ năm 2014 đến nay, trung tâm đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại 5 phòng khám đa khoa và 26 trạm y tế cấp xã. Theo đó, người dân được quản lý sức khỏe toàn diện, suốt đời dưới sự hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ. Y tế dự phòng được tăng cường đã ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm; đặc biệt là dịch bệnh Covid-19.
Trung tâm Y tế huyện cũng liên kết với các bệnh viện chuyên khoa tuyến 1, tuyến 2 trên địa bàn Hà Nội thực hiện chuyển tuyến theo mô hình bác sĩ gia đình, nhằm giúp giảm tối đa thủ tục hành chính khi bệnh nhân cần chuyển tuyến điều trị. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế, trong đó nổi bật là công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số - kế hoạch hóa gia đình…
Các cơ sở hành nghề y tế tư nhân và trình độ đội ngũ hành nghề y tế tư nhân đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trung bình hàng năm, hệ thống các cơ sở y tế tư nhân đã khám chữa bệnh cho trên 1.237.000 lượt bệnh nhân, cấp cứu 2.380 lượt bệnh nhân, tư vấn sức khoẻ 90.160 lượt người…
Xây dựng hệ thống y tế công bằng - chất lượng - hội nhập
Với sự quan tâm, đầu tư của TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, người dân trên địa bàn huyện đã được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, tốc độ phát triển dân số được kiểm soát. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan đến y tế đã được xây dựng và ban hành, phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Lưu Thị Hồng Sen, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh còn có lúc, có chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Trong khám bệnh, chữa bệnh ở các bệnh viện công lập còn phức tạp, gây khó khăn cho người bệnh.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế còn chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác dân số, chất lượng dân số còn gặp một số khó khăn thách thức; Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hoá tinh thần nhiều nơi chưa được trú trọng. Quản lý nhà nước về y tế tư nhân, cung ứng thuốc, thiết bị y tế còn bị hạn chế...
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, trong giai đoạn tới, huyện Sóc Sơn kiên định với quan điểm: Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Theo đó, huyện Sóc Sơn tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y.
“Bên cạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của TP Hà Nội, ngành y tế huyện Sóc Sơn sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt những chuyển biến tích cực hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và của huyện nhà...” - ông Hồ Việt Hùng chia sẻ.