KTĐT - Sự phát triển kinh tế trang trại của huyện Sóc Sơn đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, tận dụng nguồn đất trống, đất hoang hóa, tạo việc làm cho lao động nông thôn, khắc phục dần tình trạng sản xuất manh mún...
Với diện tích 1.561m2, trang trại Phúc Thắng của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, xã Nam Sơn đang nuôi 120 con lợn nái, 400 con lợn thịt. Tổng đàn lợn luôn duy trì khoảng 1.000 con, mỗi năm cho xuất chuồng 1.500 tấn lợn hơi, 500 con lợn giống. Trong năm 2011, thu nhập từ trang trại của gia đình ông vào khoảng 500 - 700 triệu đồng.
Hiện, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có khoảng 137 trang trại với các loại hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kết hợp sinh thái. Trong đó, chủ yếu là trang trại hộ gia đình. Tổng giá trị sản lượng hàng hóa năm 2011 ước đạt hơn 54 tỷ đồng; bình quân đạt 2,7 tỷ đồng/trang trại. Trong đó, phải kể đến một số trang trại làm ăn hiệu quả như trang trại của gia đình ông Nguyễn Quốc Phi ở Phù Linh; trang trại của ông Đỗ Văn Tân ở Tân Hưng... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế trang trại, huyện Sóc Sơn còn gặp những khó khăn, hạn chế như: quy mô diện tích đất của các trang trại còn nhỏ, áp dụng các tiến bộ khoa học chưa nhiều; nguồn vốn cho vay ưu đãi phát triển trang trại thấp… Lãnh đạo UNBD huyện Sóc Sơn cho biết, thời gian tới, phát triển kinh tế trang trại của huyện sẽ theo định hướng phù hợp quy hoạch phát triển nông nghiệp trên toàn thành phố và huyện. Sắp tới, UBND huyện sẽ mở những lớp tập huấn kiến thức quản lý, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện để các trang trại tham gia những chương trình, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ hàng hóa nông sản. UBND huyện cũng sẽ tổ chức cấp giấy chứng nhận cho trang trại theo tiêu chí mới trên địa bàn huyện sau khi có hướng dẫn của UBND TP.