Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thạch Thất: Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 15,5%/năm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2015 – 2020, nhiệm kỳ Đại hội hội Đảng bộ lần thứ XXIII, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạch Thất đều đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN) tăng bình quân 15,5%/năm, vượt 2,3% so với mục tiêu Đại hội.

Vượt mục tiêu tăng trưởng
Số liệu báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, tổng giá trị sản xuất CN, TTCN đến năm 2020 ước đạt gần 17.522 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15,5%/năm (vượt 2,3%/năm so với mục tiêu Đại hội). Nhiều sản phẩm CN, làng nghề đạt mức tăng trưởng khá, như: Cơ kim khí tăng 17,1%/năm, chế biến lâm sản, đồ mộc tăng 18,1%/năm, chế biến lương thực thực phẩm tăng 16,5%/năm, các sản phẩm khác tăng 13,2%/năm.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, để đạt được mục tiêu trên, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 05 về “Phát triển CN - TTCN và làng nghề huyện Thạch Thất giai đoạn 2016 – 2020”. Đồng thời tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông tại các làng nghề, cụm công nghiệp (CCN) tạo điều kiện cho phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa, xuất, nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
 Đổi mới phương thức lãnh đạo là cơ sở để thực hiện thắng lợi mục tiêu. Ảnh: Lê Thiết
Cùng với đó, tập trung giải quyết tồn tại về giải phóng mặt bằng ở CCN; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; triển khai thực hiện thành lập mới và mở rộng 6 CCN làng nghề theo Nghị định 68/NĐ-CP, gồm: Dị Nậu, Chàng Sơn giai đoạn 2, Hữu Bằng, Bình Phú 1 giai đoạn 2, Đám Sào – Canh Nậu giai đoạn 2 và CCN Hương Ngải.
Để bảo đảm nguồn điện sản xuất cũng như sinh hoạt của Nhân dân, từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí đầu tư là 457,2 tỷ đồng (trong đó ngành điện lực đầu tư cải tạo, xây mới 523km đường dây trung thế, hạ thế; xây mới và cải tạo 439 trạm biến áp công suất 76.800KVA với kinh phí 441,7 tỷ đồng; các HTX đã đầu tư cải tạo lưới điện hạ thế với tổng kinh phí 15,5 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng bình quân về điện hàng năm đạt 13,6%.
Đối với nguồn vốn, huyện cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay cho DN, hộ sản xuất làng nghề đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc, trang thiết bị, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành các sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm CN, làng nghề thông qua việc tổ chức triển lãm, trưng bày, tuyên truyền trên trang website làng nghề truyền thống. Hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm Mộc Chàng Sơn, Chè lam Thạch Xá, cơ kim khí Phùng Xá, chè Kho Đại Đồng...
Các làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì phát triển; 23/23 xã, thị trấn có nghề, trong đó 10 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống; 1.605 DN, hợp tác xã và 20.885 hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CN, TTCN, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài huyện.
“Sản phẩm CN, TTCN trên địa bàn huyện đã tham gia xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số thị trường lớn, như châu Úc, châu Âu, Mỹ, Canada... và ngày càng khẳng định được thương hiệu, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều ngành nghề truyền thống như cơ kim khí, chế biến lâm sản, đồ mộc... tiếp tục phát triển và hoạt động ngày càng có hiệu quả cao hơn” - ông Nguyễn Mạnh Hồng cho hay.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Hồng Nhật cho biết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội lần thứ XXIII, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, chủ động khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, quyết liệt, hướng về cơ sở; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
 Sản xuất CN, TTCN huyện Thạch Thất đạt tốc độ tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Thiết
Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, mối quan hệ công tác giữa cấp ủy với chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, sự lãnh đạo tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, phân công phân nhiệm rõ ràng cho từng thành viên và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm cải cách hành chính trong Đảng, cải tiến chế độ sinh hoạt cấp ủy, chế độ hội họp; duy trì và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy tiếp tục được đổi mới, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Các chủ trương, Nghị quyết ban hành bàn bạc dân chủ, giải quyết được những vấn đề cấp thiết, quan trọng mà thực tiễn đặt ra. Huyện ủy đã chỉ đạo, ban hành 5 Chương trình công tác, 22 Đề án, ban hành 7.087 văn bản thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp giai đoạn 2016 - 2020.
“Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng là nội dung được quán triệt sâu sắc trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XXIII Đảng bộ huyện. Các chủ trương, nghị quyết của Huyện ủy bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, vừa giải quyết được những vấn đề có tính chiến lược, lâu dài vừa giải quyết được những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra” – ông Nhật nhấn mạnh.

Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 trên địa bàn huyện Thạch Thất ước đạt trên 25.250 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 14,92% (mục tiêu Đại hội XXIII là 12,68%). Đến năm 2020 tỷ trọng giá trị CN, TTCN chiếm 70,2%; Thương mại - dịch vụ 23,2%; Nông - lâm nghiệp - thủy sản chỉ còn 6,6% (mục tiêu Đại hội là 70% - 21% - 9%). Cơ cấu lao động làm việc trong các lĩnh vực này lần lượt là: 59,5%; 26%; 14,5%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 70 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015.