Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thạch Thất: Tổng nhu cầu vốn 1.360 tỷ đồng tu bổ 52 di tích

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Giai đoạn 2021-2025, huyện Thạch Thất triển khai 29 dự án tu bổ tôn tạo 29 di tích lịch sử văn hóa, với tổng nhu cầu vốn trên 925 tỷ đồng; đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025 đầu tư tu bổ 23 di tích, tổng nhu cầu vốn 435 tỷ đồng.

Thực hiện chương trình giám sát công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP Hà Nội, chiều nay, 7/12, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Thị Kim Dung làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại huyện Thạch Thất.

Trong đó, Đoàn đã đến giám sát thực tế tại di tích Chùa Thấp, xã Hạ Bằng.

Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung làm Trưởng đoàn thực hiện giám sát, làm việc tại Chùa Thấp, xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung làm Trưởng đoàn thực hiện giám sát, làm việc tại Chùa Thấp, xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất

Đại diện Phòng VH&TT huyện cho hay, theo danh mục kiểm kê di tích, trên địa bàn huyện có 209 di tích; đến hết tháng 11/2022 có 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, gồm Chùa Tây Phương được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp Quốc gia và 66 di tích cấp tỉnh, TP; đang lưu giữ 92 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 18 di sản được ưu tiên bảo vệ. Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể và đồng thuận của Nhân dân huyện, công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH&TT huyện phối hợp các cơ quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn triển khai những văn bản QPPL về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, tu bổ tôn tạo di tích; tuyên truyền bằng hình thức phong phú về chủ trương chính sách Nhà nước đối với công tác này; tuyên truyền về Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đến từng người dân, Ban hộ tự chùa, Ban khánh tiết đình… 100% di tích được xếp hạng đã được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ; nhiều di tích đã được cấp GCN quyền sử dụng đất theo quy định.

Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 41 di tích được tu bổ tôn tạo, tu sửa cấp thiết với tổng kinh phí 133 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, huyện đang triển khai 29 dự án tu bổ tôn tạo cho 29 di tích lịch sử văn hóa, với tổng mức nhu cầu vốn trên 925 tỷ đồng; tiếp tục đề xuất cấp trên bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025 đầu tư tu bổ tôn tạo 23 di tích với tổng nhu cầu vốn trên 435 tỷ đồng. Công tác xã hội hóa kinh phí dành cho tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp di tích cũng đạt kết quả tích cực, với 100% di tích được tu bổ tôn tạo đều có đóng góp bằng kinh phí và ngày công của Nhân dân địa phương, tổng kinh phí xã hội hóa đạt trên 50 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi ý kiến với Đoàn giám sát
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi ý kiến với Đoàn giám sát

Song song đó, UBND huyện giao Phòng VH&TT phối hợp các cơ quan liên quan và UBND xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra rà soát, báo cáo về hiện trạng, mức độ xuống cấp của từng di tích, đề xuất phương án tu bổ tôn tạo, đảm bảo 100% di tích được quan tâm tu bổ tôn tạo, không để xảy ra di tích xuống cấp nghiêm trọng không được tu sửa kịp thời. Trong đó, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, UBND xã triển khai 10 dự án tu bổ tôn tạo chùa, với tổng vốn khái toán 414 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, lãnh đạo UBND huyện chia sẻ, với các dự án tu bổ tôn tạo di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, dự án quy hoạch, di dân, tái định cư khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương và dự án quy hoạch, mở rộng, tu bổ, tôn tạo di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ là 3 dự án liên quan công tác quy hoạch tổng thể, di dân, GPMB có quy mô và nguồn kinh phí lớn, thời gian triển khai hồ sơ hiện còn chậm, gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Vì vậy, đề nghị các sở, ngành TP tiếp tục quan tâm hướng dẫn UBND huyện hoàn thiện hồ sơ, trình cấp trên phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai dự án, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân địa phương.

Đồng thời, UBND huyện đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Sở Nội vụ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo TP và các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn huyện về hoạt động tôn giáo tín ngưỡng tại di tích, về việc các nhà sư trông coi, trụ trì di tích, nhằm đảm bảo tình hình ANTT và công tác tu bổ tôn tạo di tích, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo tại di tích trên địa bàn huyện theo đúng quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu kết luận giám sát tại huyện Thạch Thất
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu kết luận giám sát tại huyện Thạch Thất

Qua giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Thị Kim Dung ghi nhận những cố gắng, kết quả đạt được của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, tổ chức CT-XH huyện Thạch Thất trong công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Trong đó đã phát huy tốt vai trò của Phật giáo tại các cơ sở, BQL di tích của các đơn vị nêu cao trách nhiệm. Cùng đó, công tác tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn cũng được quan tâm, làm tốt việc xã hội hóa vào tu bổ tôn tạo di tích; thực hiện tốt công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm…

Từ đó, Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện quan tâm quản lý chặt chẽ hơn đối với công tác an ninh tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tránh đơn thư phản ánh của người dân. Qua thanh tra, kiểm tra hiện trạng các di tích, UBND huyện cũng cần quan tâm có đeo bám để đề xuất các phương án tu bổ, tôn tạo di tích một cách thỏa đáng; quản lý tốt về tài chính, quản lý hòm công đức… Công tác quản lý này trên địa bàn cần đảm bảo bám sát Luật Di sản và các quy định của pháp luật.