Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thanh Oai: Kiểm soát chặt ATTP bữa cỗ tập trung đông người

Thanh Binh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, Thanh Oai đã triển khai thí điểm kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 5 xã; năm 2017, 2018 mỗi năm huyện thí điểm thêm 5 xã; năm 2019 nhân rộng thêm 6 xã còn lại trên địa bàn.

Qua điều tra thống kê, năm 2019, trên địa bàn huyện có 2.940 bữa cỗ tập trung đông người. Thực tế có khoảng 95% các bữa cỗ là do gia đình họ hàng tự chế biến. Công tác quản lý địa phương chủ yếu đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, còn bữa cỗ tập trung đông người do gia đình, chủ yếu do gia đình tự bảo đảm.

 
Để thực hiện tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người, 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai đã triển khai thành lập và duy trì hoạt động tổ giám sát tư vấn các điều kiện ATTP tại các bữa cỗ tập trung đông người. 100% cán bộ quản lý ATTP và cán bộ tổ giám sát ATTP của các xã, thị trấn được bồi dưỡng kiến thức về các quy định đảm bảo ATTP, chủ động giám sát và xử lý khi có ngộ độc thực phẩm. Mỗi xã, thị trấn hỗ trợ tư vấn cho 120 đến 150 bữa cỗ đông người từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào đến chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản, vận chuyển thức ăn.
Để thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo ATTP tại các bữa cỗ tập trung đông người, huyện đã tổ chức kiểm tra giám sát 263 bữa cỗ, không có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm.
Qua giám sát, đa số các hộ gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người đã có ý thức về đảm bảo ATTP, đã bố trí về cơ sở vật chất sạch sẽ, trang thiết bị dụng cụ nấu nướng đảm bảo theo quy định, nơi nấu ăn được phân khu riêng biệt, tách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín, việc lựa chọn thực phẩm được trú trọng hơn về mức độ an toàn và nguồn gốc xuất xứ. Thực phẩm khi sơ chế chế biến đến khi thức ăn được nấu chín đều được kiểm soát.
Tuy nhiên, mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người là mô hình mới thí điểm nên nhận thức của người dân về kiến thức ATTP hẩm vẫn còn hạn chế; người dân chủ yếu mua thực phẩm tại chợ của địa phương hoặc người thân trong gia đình nên sổ theo dõi mới chỉ ghi số lượng mà chưa ghi đầy đủ nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, do điều kiện gia đình nên có hộ khu sơ chế và khu thức ăn chín còn gần nhau; thức ăn chín được sắp lên mâm nhưng chưa che đậy cẩn thận; người chế biến chưa đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm; người chế biến chưa có tạp dề, khẩu trang; rác thường đựng trong bao tải hoặc túi bóng chưa cho vào thùng rác vận chuyển trong ngày...
Để khắc phục những tồn tại và thực hiện tốt mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người, huyện đã tư vấn các hộ gia đình nên bố trí nơi ăn ở vị trí rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ có căng bạt, không bị ảnh hưởng bởi các nguồn ô nhiễm; nên sắp xếp bố trí riêng biệt thực phẩm sống, thực phẩm chín rõ ràng; bảo quản vệ sinh tránh côn trùng xâm nhập; các gia đình cần giữ lại hóa đơn mua hàng và ghi chép vào sổ địa chỉ, tên người bán và số lượng hàng đã mua để phục vụ đám cỗ; rác thải chế biến đợi sau khi xong đám cỗ chuyển ra ngoài.
Bên cạnh đó, do thói quen của những người trực tiếp chế biến sau khi nấu xong thường cho vào các mâm để trực tiếp xuống nền đất để đợi chia đồ vào đĩa; sau khi được tư vấn các gia đình đã bày thức ăn nấu chín lên các giá kệ hoặc tận dụng các bàn uống nước cao trên 60cm để kê cao thực phẩm sau khi được chế biến xong; người tham gia chế biến tháo đồ trang sức, sử dụng găng tay dùng 1 lần khi tiếp xúc với thực phẩm, thực hiện nghiêm các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...