Đây là dịp để huyện Thường Tín ghi nhận sự cố gắng của doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư phát triển đã kinh doanh hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của huyện.
Hiện tại địa bàn huyện đã có 48 làng được Thành phố công nhận là làng nghề. Trong quá trình thực hiện chủ trương công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước đã hình thành tại địa phương 6 cụm công nghiệp và 4 cụm công nghiệp làng nghề, thu hút hơn 1 ngàn doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy phát biểu tại hội nghị
|
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín đã có những khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp – thủ công nghiệp trong năm 2015 ước đạt 7 ngàn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014. Tổng giá trị thương mại – dịch vụ ước đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước…
Thảo luận tại Hội nghị , các doanh nghiệp bày tỏ còn không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, các cấp chính quyền chưa có nhiều trương trình, cơ chế để hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp, việc quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề còn nhiều hạn chế, công tác đầu tư cho nghệ nhân nhằm phát triển làng nghề truyền thống còn chưa nhiều…
Trân trọng các ý kiến thảo luận, đồng thời xác định các doanh nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy nhấn mạnh: Huyện sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể cho mỗi doanh nghiệp; nâng cao chỉ số cạnh tranh; giảm thời gian làm thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh. Rút ngắn thời gian làm thủ tục cho các nhà đầu tư thực hiện dự án…
Đều đồng thuận chủ trương của lãnh đạo huyện Thường Tín, các doanh nghiệp địa phương hứa sẽ sát cánh cùng địa phương phát triển bền vững kinh tế của huyện.