Huyện Thường Tín nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Thường Tín là một trong những huyện có nhiều dự án mang tính đột phá, nhất là dự án giao thông. Các dự án có diện tích đất và tài sản trên đất phải GPMB tương đối lớn, ảnh hưởng đến đất ở, đất nông nghiệp và tài sản của nhiều hộ dân.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 7 hộ gia đình cuối cùng ở xã Hà Hồi có đất ở và công trình trên đất nằm trong phạm vi dự án xây dựng đường 427 hướng tuyến mới đã phối hợp GPMB.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 7 hộ gia đình cuối cùng ở xã Hà Hồi có đất ở và công trình trên đất nằm trong phạm vi dự án xây dựng đường 427 hướng tuyến mới đã phối hợp GPMB.

Không để phải cưỡng chế thu hồi đất

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh chia sẻ, bằng cách làm công khai, minh bạch và quyết liệt, huyện Thường Tín đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ GPMB, bảo đảm tiến độ thi công các dự án đầu tư có sử dụng đất. Chỉ trong năm 2024, toàn huyện có 57 dự án mới và 96 dự án chuyển tiếp từ năm 2023 sang, diện tích cần GPMB với hàng trăm hecta.

Trong đó, có một số dự án lớn, trọng điểm kết nối giao thông đối ngoại và vùng trọng điểm của huyện, như: mở rộng QL 1A (giai đoạn 2) kéo dài từ thị trấn Thường Tín đến xã Hà Hồi; dự án xây dựng hướng tuyến mới Tỉnh lộ 427 đi qua xã Hà Hồi; cải tạo, mở rộng đường đê sông Hồng; làm mới tuyến đường gom ven đường sắt Bắc - Nam; đường Nguyễn Trãi…

Cùng với đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cùng Phòng Tài nguyên Môi trường và các đơn vị, địa phương trên địa bàn còn tập trung GPMB hàng loạt dự án khác, như: dự án xây dựng 3 khu đất tái định cư đường Vành đai 4; tổ hợp 5 dự án khu đấu giá đất và đường giao thông tại xã Hà Hồi; một số cụm công nghiệp (CCN), dự án xây dựng các khu đất đấu giá; xây dựng trường học…

Tính đến nay, các phòng, ban, đơn vị chức năng của huyện Thường Tín đã thực hiện được cơ bản tổng diện tích cần phải GPMB. Trong đó, đối với những dự án đầu tư công đã có 100% dự án ký cam kết GPMB, nhiều dự án đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, chi trả GPMB.

Hàng loạt dự án khó khăn, phức tạp cũng từng bước được các cơ quan, địa phương trong huyện quyết tâm sớm hoàn thành GPMB để bàn giao đất cho chủ đầu tư thi công các hạng mục công trình. Trong đó, chỉ trong tháng 6/2024, nhờ làm tốt vận động, tuyên truyền, 7 gia đình cuối cùng của xã Hà Hồi có đất ở và công trình trên đất ở đã chịu phối hợp GPMB.

Cùng với đó, cũng ở thời điểm này, các thành viên của 2 hộ gia đình cuối cùng trong số hàng trăm gia đình ở xã Hà Hồi có đất nông nghiệp nằm trong tổ hợp 5 dự án sau một thời gian dài quyết tâm tuyên truyền, vận động của chính quyền các cấp huyện Thường Tín cũng đã phối hợp nhận tiền chi trả, bồi thường, hỗ trợ, phối hợp GPMB và bàn giao đất.

Đó là chưa kế đến hàng trăm trường hợp có đất ở, đất nông nghiệp nằm trong phạm vi GPMB dự án khác như: đường Vành đai 4; dự án khu đấu giá đất ở xã Vân Tảo, xã Vạn Điểm; dự án xây dựng CCN Thắng Lợi, CCN Tiền Phong và hàng loạt dự án ở thị trấn Thường Tín… nhờ làm tốt việc vận động những trường hợp khó để hoàn thành GPMB, không phải để cưỡng chế thu hồi đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng, để có những kết quả khả quan, ngay từ những tháng đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín đã thường xuyên họp và chỉ đạo công tác GPMB chung trên địa bàn toàn huyện để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện GPMB dự án.

UBND huyện đã áp dụng, thực hiện đúng theo trình tự, chế độ, chính sách về GPMB trên cơ sở các quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch. Các vấn đề khó khăn, phức tạp đều được bàn bạc kỹ lưỡng để tuyên truyền, vận động và đối thoại rồi đi đến việc đưa ra quyết định cuối cùng.

Sau nhiều buổi kiên trì tuyên truyền, vận động, hai hộ gia đình cuối cùng ở xã Hà Hồi có đất nông nghiệp nằm trong tổ hợp 5 dự án khu đấu giá đất và đường giao thông đã chấp hành phối hợp GPMB  để thi công dự án.
Sau nhiều buổi kiên trì tuyên truyền, vận động, hai hộ gia đình cuối cùng ở xã Hà Hồi có đất nông nghiệp nằm trong tổ hợp 5 dự án khu đấu giá đất và đường giao thông đã chấp hành phối hợp GPMB  để thi công dự án.

Công khai, minh bạch và quyết liệt

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng cho biết, UBND huyện chỉ đạo phòng, ban, đơn vị chức năng cân đối, bố trí đủ nguồn kinh phí để tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ kịp thời theo phương án được duyệt cho các hộ, cá nhân có đất bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án.

Công tác tuyên truyền về GPMB được các cấp, ngành đoàn thể trong huyện phối hợp thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả để người dân nắm rõ các quy định của pháp luật về GPMB, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.

Trên thực tế công tác bồi thường, GPMB luôn là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Trong quá trình thực hiện GPMB vẫn luôn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Để có đủ cơ sở pháp lý trước khi tiến hành GPMB phải mất rất nhiều thời gian, nhiều dự án phải chuyển kế hoạch từ năm này sang năm khác.

Cơ sở dữ liệu địa chính đã cũ, chưa được kê khai, cập nhật kịp thời biến động nên khi triển khai, GPMB các dự án thường rất khó khăn và mất nhiều thời gian cho công tác trích đo hoặc trích lục bản đồ, xác định thời điểm, nguồn gốc sử dụng đất. Một số dự án do trích đo/trích lục chậm, dẫn đến chậm ban hành thông báo thu hồi đất.

Đối với tài sản, vật kiến trúc, cây trồng hình thành trên đất công ích và một số dự án, các hộ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trên đất được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 về việc giao đất nông nghiệp cho hộ, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, thời điểm hình thành tài sản sau ngày 1/7/2014 khó khăn trong việc thực hiện GPMB.

Để đẩy mạnh công tác GPMB, phấn đấu hoàn thành tốt theo kế hoạch đặt ra trong năm 2024, huyện Thường Tín tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Luật Đất đai, về lợi ích và ý nghĩa của các dự án đang triển khai trên địa bàn để nâng cao nhận thức cho người dân cùng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách công tác bồi thường GPMB.

Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú khẳng định: huyện công khai, minh bạch chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC); chủ động đối thoại và có giải pháp xử lý kịp thời; ngăn chặn tình trạng xúi giục, lôi kéo, gây khó khăn cho GPMB. Ưu tiên và lựa chọn quỹ đất để thực hiện phương án tái định cư và bồi thường bằng đất.

Tập trung thực hiện trích đo, trích lục bản đồ bảo đảm chất lượng phục vụ cho GPMB; tập trung kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính giúp công tác GPMB được nhanh, chính xác hơn. Tăng cường phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy định của Nhà nước về công tác GPMB.

“Tham mưu thực hiện nhanh, đầy đủ quy trình GPMB tạo mặt bằng sạch để thực hiện các dự án đầu tư, góp phần tăng tốc hoàn thành thắng lợi khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh huyện đã xác định thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025” - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú nhấn mạnh.