Buổi tọa đàm thu hút sự tham dự của nhiều giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực mỹ thuật, điêu khắc, văn hóa, nhiếp ảnh và đại diện dòng họ Nguyễn. Tham gia và chủ trì buổi toạ đàm có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học; Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh...
Tại buổi tọa đàm, Huyện ủy, UBND huyện và Ban quản lý dự án xây dựng các công trình văn hóa của huyện đã đưa ra phương án sắp xếp bài trí, bố cục không gian gồm các hạng mục công trình, cụ thể gồm: Cầu kiều, cây xanh thảm cỏ, đài phun nước, ánh sáng, nhà điều hành, đường giao thông nội bộ...
Tiếp đó, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến thẳng thắn trao đổi về việc sắp xếp, bài trí, bố cục không gian các hạng mục công trình trong khu vực của dự án đầu tư xây dựng Vườn hoa Nguyễn Du. Khi xây dựng, hình ảnh cụ Nguyễn Du cần phác họa màu sắc gì và đặt hướng nào, sử dụng câu từ cho đảm bảo với khuôn viên vườn hoa.
Cùng với đó sử dụng loại vật liệu nào để thi công các hạng mục công trình trong vườn hoa Nguyễn Du; Xem xét việc đặt tên từng tuyến đường giao thông nội bộ trong vườn hoa sao cho phù hợp với ngữ cảnh; Sử dụng loại cây và hoa gì; Bổ sung thêm việc xây dựng thư viện trong khuôn viên vườn hoa...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đánh giá cao và thống nhất ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm chiều 4/9 về việc sắp xếp bài trí, bố cục các hạng mục trong không gian Vườn hoa Nguyễn Du.
Đồng thời, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định: Việc xây dựng toàn bộ quần thể Vườn hoa Nguyễn Du nhằm phát huy tối đa các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật. Qua đó, góp phần hun đúc thêm lòng yêu mến, niềm tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam.