Huyện Thường Tín: Xử lý vi phạm kiểu… nửa vời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016”, ngay từ đầu năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thường Tín đã ra quân xử lý vi phạm nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, đến nay một số tuyến đường trên địa bàn huyện vẫn trong tình trạng nhếch nhác, phản cảm.

Những tuyến đường mất mỹ quan

Ngày 15/1/2015, UBND huyện Thường Tín có Kế hoạch số 03/KH-UBND triển khai đến thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban và Chủ tịch UBND xã, thị trấn nhằm thực hiện tốt “Năm trật tự và văn minh đô thị” với ba mục tiêu, như: Thực hiện công tác đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường để sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; Tăng cường an toàn giao thông, đảm bảo đường thông hè thoáng; Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, đến nay tại một số tuyến đường Quốc lộ 1A (cũ) và Tỉnh lộ 427, 429 đi qua một số xã, như Vạn Điểm, Duyên Thái, Thư Phú, Vân Tảo, Văn Phú, Tô Hiệu và thị trấn Thường Tín vẫn nhếch nhác, phản cảm, bởi vỉa hè hai bên đường luôn bị người dân chiếm dụng để hàng hóa, biển quảng cáo.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh tại xã Vạn Điểm.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh tại xã Vạn Điểm.
Thể hiện rõ nhất bắt đầu từ việc các tiểu thương làng nghề xã Vạn Điểm luôn bày bán bàn, ghế, giường, tủ chiếm dụng gần 1km vỉa hè Quốc lộ 1A (cũ) thuộc địa bàn xã. Cũng tại Quốc lộ 1A, gần 2km hành lang ATGT đường bộ đoạn qua xã Duyên Thái từ sáng đến tối luôn bị người dân cắm ô, trưng bày sản phẩm bánh dày chiếm dụng toàn bộ hành lang đường. “Khủng” hơn phải kể đến 4km đường Tỉnh lộ 427 đoạn qua xã Vân Tảo, Thư Phú và thị trấn Thường Tín. Mặc dù, vỉa hè ở đây chỉ rộng khoảng 2m, nhưng tất cả các hộ dân ở mặt đường đều đua nhau chiếm dụng để xe máy, xe ô tô, biển quảng cáo và chỉ đến khi lực lượng chức năng ra quân các hộ mới chịu thu dọn, cất biển quảng cáo.

Qua tìm hiểu được biết, do lực lượng chức năng của huyện và các xã, thị trấn xử lý vi phạm mang tính chiếu lệ cho xong nên mới xảy ra tình trạng hành lang ATGT và vỉa hè ở một số xã, thị trấn, nhất là những địa phương có làng nghề truyền thống luôn bị chiếm dụng để bày bán hàng hóa, biển quảng cáo gây ảnh hưởng cho người đi bộ. Không chỉ có vậy, hiện nay một số điểm dưới lòng đường Quốc lộ 1A còn được sử dụng làm nơi tập kết xe ba gác chở rác thải. Nguy hiểm hơn, tại một số điểm chờ xe buýt ở thị trấn Thường Tín luôn có hàng chục trường hợp làm nghề lái xe ôm túc trực đứng đón khách ngay dưới lòng đường. Mỗi khi có xe buýt đến đón, trả khách luôn xảy ra cảnh chèo kéo khách, dẫn đến ùn tắc, mất an toàn giao thông.

Thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín Trần Minh Đăng cho rằng, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ven đường Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 427. Bên cạnh đó, hàng quý UBND thị trấn thường tổ chức đợt cao điểm ra quân xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị bắt giữ hàng hóa, biển quảng cáo, nhưng vì lợi nhuận nên vẫn cố tình tái phạm. “Do các xã, thị trấn có đường Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 427, 429 đi qua chưa thống nhất được thời gian ra quân xử lý vi phạm nên chưa tạo được sự chuyển biến trong ý thức của người dân. Để vỉa hè, lòng đường trên địa bàn đạt tiêu chí xanh, sạch, đẹp và thông thoáng hơn, UBND huyện cần chỉ đạo lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc phối hợp với các xã, thị trấn xử lý vi phạm. Có làm được như vậy, việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” mới đạt kết quả” - ông Đăng nói.

Trưởng Phòng Quản lý Đô thị huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú thừa nhận, tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và không an toàn cho người tham gia giao thông như phóng viên phản ánh là đúng. Nguyên nhân, do các xã, thị trấn chưa quen với việc thực hiện và thiếu quyết liệt xử lý vi phạm nên mới xảy ra tình trạng vỉa hè, lòng đường nhếch nhác, phản cảm. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các địa phương đang để tồn tại tình trạng này. Còn các phòng, ban của huyện chỉ là đơn vị hỗ trợ về mặt chuyên môn thôi. Ông Tú khẳng định: “Để xảy ra tình trạng này còn có phần trách nhiệm của Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh (Công an huyện) và Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện chưa quyết liệt vào cuộc phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện nghiêm kế hoạch mà UBND huyện đã đề ra”.

Liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm. Phóng viên đã liên hệ và đặt lịch làm việc với Công an huyện Thường Tín, tuy nhiên Thiếu tá Tạ Quang Vinh - Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh (Công an huyện Thường Tín) đã đưa ra nhiều lý do và từ chối trả lời vì chưa được lãnh đạo Đội giao nhiệm vụ cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần