Huyện Ứng Hòa (Hà Nội): Ngôi đình trăm tuổi bị bê tông hóa

Minh An - Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đình Dư Xá Thượng (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có tuổi đời hơn 100 năm với nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa nhưng đã bị phá dỡ hoàn toàn để xây mới.

Trẻ hóa giá trị tâm linh

Đây không phải lần đầu tiên tại huyện Ứng Hòa xảy ra hiện tượng bê tông hóa di tích. Năm 2018, báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, ngôi đình Lương Xá (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà) hơn 300 năm tuổi cũng biến đổi chất liệu từ gỗ thành xi măng, sắt thép. Cuối tháng 6/2021, phóng viên Kinh tế & Đô thị tiếp tục ghi nhận thông tin phản ánh về việc đình Dư Xá Thượng (xã Hoà Nam, huyện Ứng Hoà) bị phá dỡ, xây mới.
 Đình Dư Xá Thượng bị bê tông hóa toàn phần. Ảnh: Hoàng Quân
Đặt chân đến ngôi đình Dư Xá Thượng, hình ảnh đầu tiên đập mắt chúng tôi là những đống gạch, ụ cát, mạng lưới thép đan nhau chằng chịt. Bước qua bậc tam cấp ngổn ngang vật liệu xây dựng, bên trong ngôi đình là hệ thống cột kèo gỗ được bê tông hoá với phần hồn trống rỗng. Chính vì vậy, thay vì không gian linh thiêng (như người dân nói), tiếng máy cắt, trộn bê tông, hòa cùng tiếng xe cộ chạy dọc tuyến Quốc lộ 21B khiến những vị khách lạ chỉ hình dung đó như một công trình biệt thự đang xây dựng. Theo những người thợ đang trộn xi măng, hàn sát thép tại đình Dư Xá Thượng, việc xây dựng đình bắt đầu từ cuối năm 2020 đến nay vẫn còn dang dở. Toàn bộ cấu kiện gỗ, mái ngói đã bị vứt bỏ. “Gỗ đó giờ bị bỏ ở một nơi khác, không có giá trị gì, làm củi cũng không ai dùng vì nó mang giá trị tâm linh” – một người dân ở xã Hòa Nam chia sẻ.

Đổi chất liệu theo nhu cầu của Nhân dân

Theo lời kể của người dân xã Hòa Nam, đình Dư Xá Thượng được lập thờ cùng quán Thượng, đền Bách Linh, chùa Diên Khánh, ra đời cách đây hơn 140 năm. Năm 1947, giặc Pháp càn quét ở tỉnh Hà Nam, các bậc cao niên đã đắp ụ chắn đường giao thông để chống càn. Vì vậy, quân Pháp đã đốt đình, khiến di tích bị biến mất. Năm 1985, dân làng phục dựng lại đình, có long chầu mặt nguyệt. Mặc dù đình Dư Xá Thượng chưa được xếp hạng di tích nhưng cũng là công trình có trong danh mục kiểm kê di tích, cần được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản.

Trải qua mấy chục năm, các hạng mục bằng gỗ tại đình xuống cấp. Năm 2020, theo nguyện vọng của Nhân dân, chính quyền thống nhất trùng tu, xây dựng lại đình. Theo ông Nguyễn Phúc Khách – Trưởng thôn Dư Xá Thượng: “Trong lần trùng tu này, đình được phá dỡ hoàn toàn để xây mới. Chúng tôi cho đấu thầu trọn gói, có thiết kế với tổng giá trị đấu thầu là 1,2 tỷ đồng, dự kiến đến khoảng tháng 10/2021 hoàn thiện và khánh thành. Vừa qua khi trùng tu, người dân đã xin ý kiến các cấp từ xã, huyện và TP. Kinh phí xây dựng là do nguồn xã hội hoá, mỗi khẩu là 300.000 đồng. Đến thời điểm này, xã đã thu được gần đủ kinh phí ủng hộ của 800 hộ, với tổng sổ tiền 1,1 tỷ đồng. Những hộ khó khăn, nghèo và cận nghèo, chúng tôi không bắt ép. Dự án tu bổ đình đã có nhà đầu tư, hảo tâm, đảm nhận 50% kinh phí tu bổ”. Về việc thiết kế, xây dựng, ông Nguyễn Phúc Khách cho biết: “Diện tích mặt bằng của đình là hơn 3.600m2. Chúng tôi sẽ lấy tích sử ở Quán thượng của làng, thờ Tản Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại Vương, tên huý là Nguyễn Tuấn làm cơ sở thờ tự”.

Hiện nay, đình Dư Xá Thượng đã không còn dấu tích cũ. Trong ký ức của dân làng, hình ảnh của ngôi đình xưa chỉ còn trong ảnh, đoạn video được lưu trên mạng xã hội. Ngôi đình hơn 140 năm tuổi chỉ hiện hữu bởi những lớp bê tông lạnh lẽo, chìm trong bụi đường và xi măng. Liệu rằng với chất liệu bê tông ấy, đình Dư Xá Thượng có phù hợp là một di tích văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân?