Hy Lạp cam kết đối thoại thay vì đối đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những bước đi vừa qua của Chính phủ mới, nỗi lo sợ Hy Lạp sẽ vỡ nợ và buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khiến các quan chức châu Âu phải lập tức tới Athens để giải quyết tình hình hiện nay.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz – quan chức cao cấp đầu tiên của châu Âu làm việc với tân Thủ tướng Alexis Tsipras đã cam kết châu Âu sẽ làm hết sức mình để giúp Hy Lạp vượt qua khó khăn. Đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Hy Lạp xem xét kỹ lưỡng việc ngừng kế hoạch tư nhân hóa cảng Piraeus – một phần quan trọng trong các điều kiện mà Hy Lạp phải đáp ứng để nhận cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế.

Trong khi đó lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp 3 năm đã lên mức 18% - cao hơn mức mà nước này phải trả khi nhận gói cứu trợ đầu tiên hồi tháng 5/2010. Diễn biến này cho thấy, niềm tin của giới đầu tư vào nước này đang lung lay, nhất là sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor quyết định hạ tín nhiệm của Hy Lạp với triển vọng tiêu cực. Không chỉ có nhà đầu tư mà người dân nước này cũng vội vàng rút tiền khiến lượng tiền gửi ngân hàng của Hy Lạp suy giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Tiền gửi doanh nghiệp và hộ gia đình từ 164,3 tỷ Euro xuống còn 160,3 tỷ Euro.