Hy Lạp hủy trưng cầu dân ý: Châu Âu thở phào nhẹ nhõm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 5/11, Hy Lạp chính thức tuyên bố sẽ không tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos đã thông báo điều đó trong cuộc điện đàm với các người đồng nhiệm thuộc EU, khiến cả châu Âu thở phào nhẹ nhõm…

Số phận vẫn bấp bênh

Trước khi thông qua quyết định này, trong chính phủ Hy Lạp đã có những tranh luận gay gắt, nhiều bộ trưởng phê phán sáng kiến của Thủ tướng George Papandreou tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của EU. Trước đó, lãnh đạo của Pháp và Đức, hai nước lớn nhất tài trợ cuộc cải cách ở Hy Lạp, cũng nói lên ý kiến hết sức tiêu cực. Trước Hội nghị thượng đỉnh của G-20 ở Cannes, tại cuộc gặp với Thủ tướng Papandreou, hai nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đã đặt vấn đề dứt khoát: Nếu Hy Lạp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thì sẽ không nhận được khoản tài trợ của EU. Vấn đề là ở chỗ, các nước EU đã đạt thỏa thuận rất khó khăn về việc cấp tín dụng cho Hy Lạp, quy định xóa một nửa nợ công cho Hy Lạp với điều kiện nước này sẽ thực hiện chương trình tiết kiệm nghiêm ngặt trong thời gian nhiều năm. 

 Trên thực tế, quyết định xóa một nửa nợ công cho Hy Lạp có nghĩa là tuyên bố Hy Lạp bị vỡ nợ. Sự khác biệt duy nhất là sự vỡ nợ tiến hành có sự kiểm soát. Giới chuyên gia cho rằng, không nên tổ chức bất cứ cuộc trưng cầu nào vì các nhà lãnh đạo EU, trước hết Đức và Pháp, đã thông qua quyết định thay cho Hy Lạp.

Tuy nhiên, dù đã từ chối sáng kiến tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, số phận của Chính phủ Hy Lạp vẫn chưa rõ. Phe đối lập đòi Thủ tướng Papandreou phải từ chức. Còn bản thân ông Papandreou thì đã giành được thắng lợi trong  một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và có ý định tiếp tục giữ chức vụ này. Vì thế châu Âu còn có thể vấp phải những điều bất ngờ từ phía Hy Lạp trong khi ở nước này vẫn tiếp tục các trò chơi chính trị.

G20 không có đột phá

Quyết định không trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của Hy Lạp được hủy bỏ, khiến các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20)  chỉ tạm yên tâm về điều đó, song tại Hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc ngày 4/11 tại Pháp, chỉ đưa ra những cam kết chung và mang tính tượng trưng. G20 đã thông qua kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm. Kế hoạch này bao gồm cam kết chung của tất cả các nước G20 cũng như các cam kết của các nước riêng rẽ đối với chính sách kinh tế vĩ mô và các cải cách cơ cấu.

Các nước G20 cũng thông qua quyết định thành lập nhóm công tác về hỗ trợ việc làm và kế hoạch hành động hỗ trợ các thị trường trái phiếu quốc gia. Các nhà lãnh đạo G20 cũng đạt đồng thuận về khả năng tăng nguồn vốn dự trữ cho Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), nhấn mạnh định chế tài chính quốc tế này cần phải có mọi thứ cần thiết để thực hiện vai trò vốn có của mình trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng có hệ thống, mà trước mắt là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Các nước G20 cũng quyết định xem xét lại vào năm 2015 cái gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF và quyết định để định chế tài chính này sử dụng chính sách tín dụng mới nhằm hỗ trợ khả năng thanh khoản tại các nước có nền chính trị ổn định và không có các vấn đề về dài hạn, nhưng tồn tại nguy cơ liên quan tới các khoản vay bên ngoài ngắn hạn. Ngoài ra, IMF cũng được trao thêm thẩm quyền giám sát các luồng vốn và cơ sở thay đổi tỷ giá hối đoái.

Bên cạnh đó, lãnh đạo G20 đã tán thành quyết định được thông qua trước đó ở cấp Bộ trưởng về hạn chế tình trạng bất ổn về giá lương thực và ủng hộ việc trao đổi kinh nghiệm về khai thác khí đốt ở thềm lục địa. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, tất cả những cam kết này đều mang tính hình thức và vô hình trung, G20 lần này đã thất bại khi không tạo ra được sự đột phá nào để thúc đẩy nền kinh tế thế giới.