Hy Lạp: Nhận được tiền cứu trợ, chứng khoán vẫn lao dốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cỗ xe chở tiền giải cứu của châu Âu cuối cùng cũng “lăn bánh” tới Hy Lạp. Sau khi hội đủ lá phiếu ủng hộ của Quốc hội các quốc gia thành viên Eurozone, Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) đã đồng ý giải ngân 13 tỷ Euro cho Athens.

Đây là một phần trong khoản giải ngân đầu tiên trị giá lên tới 26 tỷ Euro mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp sau khi nước này chấp nhận đánh đổi thực hiện gần 40 biện pháp cải cách hà khắc.

Trong khoản giải ngân 13 tỷ mà Athens nhận được trong ngày hôm nay, có 10 tỷ Euro để hỗ trợ ngành ngân hàng, vốn đã nguy khốn suốt một thời gian dài vừa qua. Từ nay đến mùa thu, Hy Lạp sẽ nhận được 3 tỷ Euro còn lại.

Giám đốc ESM Klaus Regling cho rằng, đợt giải ngân hôm nay sẽ cho phép Hy Lạp hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) cũng như giải quyết các nhu cầu bức bách về ngân sách khác. Trên thực tế, Hy Lạp đã bắt đầu tiến hành các thủ tục để chuyển số tiền 3,2 tỷ Euro đến hẹn đáo hạn cho ECB vào ngày mai (20/8), trong khi số tiền còn lại được dự kiến là sẽ dành để trả cho khoản vay 7 tỷ Euro đã đến hạn thanh toán vào tháng trước.

Ngay sau khi ESM thông báo về đợt giải ngân đầu tiên trong gói cứu trợ thứ 3, mọi sự chú ý đã đổ dồn về những bất ổn trên chính trường hiện nay. Theo đó, để dẹp yên cuộc nổi loạn trong nội bộ đảng cầm quyền, Thủ tướng Alexis Tsipras không có cách nào khác là phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Hiện, các cố vấn thân cận của Thủ tướng cho rằng, nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm từ 20 đến 27/9 để giải quyết triệt để những rạn nứt trong nội bộ đảng Syriza. Trong khi các nhóm cố vấn khác lại đề xuất nên Thủ tướng trì hoãn cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đến đầu tháng 11 nhằm tạo cơ hội để chính phủ thực hiện các thỏa thuận cứu trợ. 
Giá cổ phiếu của các ngân hàng ghi nhận mức giảm nhiều nhất.
Giá cổ phiếu của các ngân hàng ghi nhận mức giảm nhiều nhất.
Diễn biến này cho thấy, chính trường Hy Lạp chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều sóng gió mới. Và bất kỳ sự thay đổi nào trên chính trường cũng tác động tiêu cực đến các thỏa thuận mà chính phủ đương nhiệm rất vất vả mới nhận được sự đồng ý của các chủ nợ. Yếu tố này đã tác động mạnh đến niềm tin của nhà đầu tư khiến thị trường chứng khoán Hy Lạp mất 2,5% ngay khi mở phiên giao dịch hôm nay. Bất chấp thông tin về khoản tiền 10 tỷ Euro đã về tài khoản, cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất Hy Lạp vẫn tiếp tục lao dốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần