Các quan chức và nhân viên y tế cho biết, tính đến hôm 9/2, 17.674 người đã chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.377 người ở Syria sau trận động đất mạnh 7,8 độ vào sáng ngày 6/2, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng đã được xác nhận lên 21.051.
Cơ hội tìm thấy những người sống sót đã mờ đi khi mốc 72 giờ đầu tiên mà các chuyên gia coi là khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất đã trôi qua. Các chuyên gia lo ngại con số thiệt mạng sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Lực lượng cứu hộ quốc tế cho biết cái lạnh khắc nghiệt đã buộc họ phải cân nhắc xem nên sử dụng nguồn nhiên liệu hạn chế để giữ ấm hay để thực hiện công việc của mình. Athanassios Balafas, một quan chức cứu hỏa Hy Lạp, nói với AFP: "Không một người nào không đề cập đến điều này - cái lạnh. Rõ ràng là chúng tôi đã chọn tiếp tục cứu người".
Thảm họa động đất hôm 6/2 diễn ra khi mọi người vẫn đang ngủ, ở một khu vực mà nhiều người đã phải chịu mất mát và phải di dời do nội chiến ở Syria. Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm thứ Năm cho biết ông đang trên đường đến Syria.
Một thập kỷ nội chiến và các cuộc không kích tại Syria đã phá hủy các bệnh viện, làm sụp đổ nền kinh tế và gây ra tình trạng thiếu điện, nhiên liệu và nước. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an cho phép mở các điểm viện trợ nhân đạo xuyên biên giới mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để chuyển hàng viện trợ.
Ước tính, 4 triệu người sống ở các khu vực do phiến quân kiểm soát ở Tây Bắc Syria đã phải dựa vào cửa khẩu Bab al-Hawa như một phần của hoạt động viện trợ xuyên biên giới được Hội đồng Bảo an ủy quyền gần 10 năm trước.
Nhiệt độ ở thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống âm 5 độ C vào đầu ngày thứ Năm, nhưng hàng ngàn gia đình đã qua đêm trong ô tô và lều tạm vì quá sợ hãi hoặc bị cấm trở về nhà do các lo ngại về dư chấn động đất vẫn còn tiếp diễn.
Phòng tập thể dục, nhà thờ Hồi giáo, trường học và một số cửa hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa xuyên đêm cho người dân mất nhà trú ẩn. Nhưng chỗ ngủ vẫn quá khan hiếm và hàng nghìn người phải qua đêm trong ô tô có sưởi ấm.
"Tôi lo sợ cho bất cứ ai còn mắc kẹt dưới đống đổ nát lúc này" - Melek Halici, người mẹ đang phải quấn đứa con gái 2 tuổi của mình trong chăn khi theo dõi lực lượng cứu hộ làm việc trong đêm, chia sẻ với AFP hôm 9/2.
Hình ảnh nhiều người còn sống buộc phải bỏ lại thi thể người thân trong những chiếc túi đựng xác được đặt trong một bãi đậu xe của bệnh viện ở thành phố Antakya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, để tiếp tục tìm kiếm những người thân mất tích khác, phần nào cho thấy quy mô và sự đau thương của thảm kịch.
Sự tức giận cũng đã tăng lên đối với việc xử lý thảm họa của Chính phủ Ankara. Hakan Tanriverdi, một người sống sót tại tỉnh Adiyaman của Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nói: "Rất nhiều người đã không chết vì trận động đất nhưng lại thiệt mạng vì bị bỏ mặc cho chết trong giá lạnh".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 8/2 thừa nhận rằng có "những thiếu sót" trong việc xử lý thảm họa của chính phủ. Thảm họa hôm 6/2 là trận động đất lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ từng chứng kiến kể từ năm 1939, khi 33.000 người đã thiệt mạng ở tỉnh Erzincan ở miền Đông nước này.
Hàng chục quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc đã cam kết giúp đỡ. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết họ sẽ viện trợ 1,78 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và phục hồi. WB cho biết, khoản hỗ trợ ngay lập tức trị giá 780 triệu USD sẽ được cung cấp từ 2 dự án hiện có ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một khoản hỗ trợ thêm 1 tỷ USD đang được chuẩn bị để chuyển tới những người bị ảnh hưởng trong quá trình phục hồi và tái thiết.
Fitch Ratings cho biết ngoài thiệt hại về người, chi phí kinh tế của trận động đất được ước tính đã vượt quá 2 tỷ USD, và có thể lên tới 4 tỷ USD hoặc hơn nữa.