Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Iceland mất sông băng đầu tiên và những con số báo động

Hương Thảo (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Iceland hôm 18/8 đã đánh dấu sự biến mất hoàn toàn của một con sông băng - Okjokull - do biến đổi khí hậu, trong khi các nhà khoa học cảnh báo rằng khoảng 400 con sông khác có nguy cơ tương tự.

Các nhà nghiên cứu về sông băng đã cảnh báo về sự biến mất của Okjokull vào năm 2014. Ảnh: Hình ảnh vệ tinh của NASA về sông Okjokull năm 1986. 
Khi thế giới vừa ghi nhận một tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, sự kiện diễn ra trên một sông băng cũ ở phía Tây Iceland đã thu hút sự tham dự của Thủ tướng nước này Katrin Jakobsdottir và cựu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc Mary Robinson, cùng nhiều nhà nghiên cứu địa phương và quốc tế.
Một đài tưởng niệm được dựng tại đây, khi tấm biển bằng đồng được gắn trên một phiến đá trơ trọi, có ghi dòng chữ "Một lá thư cho tương lai".
"Trong 200 năm tới, tất cả các sông băng của chúng ta dự kiến ​​sẽ có cùng một kết cục. Tượng đài này là để thừa nhận rằng chúng ta biết những gì đang xảy ra và những gì cần phải làm", tấm bảng viết. Nó cũng được dán nhãn "415 ppm CO2", đề cập đến mức độ carbon dioxide kỷ lục từng đo được trong khí quyển vào tháng 5/2018.
Giáo sư khí động học tại ĐH Berlin, Julien Weiss lưu ý: "Bạn có thể không cảm nhận được biến đổi khí hậu mỗi ngày, bởi nó xảy ra rất chậm trên quy mô của con người, nhưng lại rất nhanh ở quy mô địa chất".
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) hồi tháng 4 vừa qua, gần một nửa số sông băng trên thế giới có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100 nếu phát thải khí nhà kính còn tiếp tục duy trì ở mức hiện nay.
Iceland báo cáo mất khoảng 11 tỷ tấn băng mỗi năm và các nhà khoa học lo ngại tất cả 400 sông băng trên đảo sẽ biến mất vào năm 2200. Sông băng bao phủ khoảng 11% bề mặt của quốc gia này.
"Một phần lớn năng lượng tái tạo của chúng tôi được sản xuất ở các dòng sông băng... Sự biến mất của các con sông sẽ ảnh hưởng đến hệ thống năng lượng quốc gia", Thủ tướng Jakobsdottir nói.
"Các đài tưởng niệm vốn tượng trưng cho những thành tựu của con người hoặc những mất mát và cái chết mà chúng ta nhận ra là quan trọng", Cymene Howe - Phó giáo sư nhân chủng học tại ĐH Rice, Mỹ - nói, "bằng cách tưởng niệm một dòng sông băng biến mất, chúng tôi muốn nhấn mạnh những gì đang và sẽ mất trên thế giới, đồng thời thu hút sự chú ý rằng đây là điều mà con người đã 'hoàn thành' dù không phải là điều gì đáng tự hào".