Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ID.Forum:Nội thất Việt hội nhập quốc tế, tôn vinh 10 tác phẩm thiết kế xuất sắc

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 18/5, tại diễn đàn trao đổi về hành trình phát triển và hội nhập quốc tế của nội thất Việt Nam, các diễn giả đã gợi mở những định hướng phát triển mới cho ngành tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế.

Đây là một trong số chuỗi sự kiện cộng đồng ID.Forum - cộng đồng lớn nhất của các nhà thiết kế nội thất trẻ, với hơn 70.000 thành viên trên cả nước, hàng năm thường tổ chức nhiều hoạt động kết nối các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà thiết kế và doanh nghiệp ngành nội thất trong và ngoài nước. Sự kiện do Golden Bee Communications - đơn vị sáng lập và phát triển Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam tổ chức.

KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam nhìn nhận, mặc dù ở Việt Nam ngành Nội thất đã bắt đầu được đào tạo từ 60 năm trước, nhưng hiện tại vẫn chưa có tính chính danh nghề nghiệp. Các sinh viên thiết kế nội thất sau khi tốt nghiệp vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề chính thức và phí thiết kế còn “vắng bóng” trên văn bản pháp quy của Bộ Xây dựng… Điều đó, dẫn đến nhiều bất cập, khó khăn khi thực hành nghề.

ID.Forum:Nội thất Việt hội nhập quốc tế, tôn vinh 10 tác phẩm thiết kế xuất sắc - Ảnh 1

Đề cập tới câu chuyện định vị, đi tìm bản sắc Việt trong thiết kế nội thất, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính – chuyên gia về văn hóa, người dành cả cuộc đời chuyên tâm giữ gìn hồn cốt văn hóa của dân tộc chia sẻ: “Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc Việt trong thiết kế nội thất, các nhà thiết kế, các nhóm ngành nội thất cũng cần quan tâm đến câu chuyện bản địa hóa – toàn cầu hóa, làm thế nào để những thiết kế tự nó kể câu chuyện Việt Nam; đồng thời hội nhập, phù hợp với thị trường khu vực và quốc tế”.

Có thể thấy, những năm gần đây, ngành Nội thất Việt đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh hội nhập vẫn thiếu vắng sự xuất hiện của ngành Nội thất Việt, trong khi ngành cũng có ảnh hưởng qua lại với nhiều khía cạnh của xã hội.

Với góc nhìn quốc tế, các diễn ra cho rằng rất cần thiết có sự công nhận tính danh nghề nghiệp cho nhà thiết kế nội thất. Cùng với đó, các trường đại học cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, các sinh viên nỗ lực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo. Và đặc biệt, phải có sự tạo điều kiện hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong phát triển, hợp tác và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, Hội Nội thất Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội thiết kế nội thất châu Á – Thái Bình Dương là một trong những bước ngoặt để ngành Nội thất Việt tiến bước sâu hơn hội nhập quốc tế.

NTK Keat Ong – Chủ tịch Hội Nội thất châu Á – Thái Bình Dương (APSDA) nhìn nhận, sự kiện mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lĩnh vực nội thất, trong đó có ngành nội thất Việt Nam. Và mới đây, APSDA đã chính thức ban hành chứng chỉ hành nghề quốc tế, chuẩn hóa nâng cao đào tạo ngành nghề nói chung, mở ra chặng đường phát triển đa chiều, đa diện…

Ban tổ chức trao giải Nhất cho thí sinh  
Ban tổ chức trao giải Nhất cho thí sinh  

Sáng cùng ngày, đã diễn ra Gala trao giải thưởng sinh viên nội thất Việt Nam. Ban Giám khảo đã trao giải Nhất cho tác phẩm “Trung tâm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Xà Phìn” của thí sinh Trần Quốc Khánh đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tổng giá trị giải thưởng 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 1 giải Nhì; 2 giải Ba; 6 giải Khuyến khích và 1 giải Bình chọn tác phẩm ấn tượng nhất.