Phát biểu trên kênh CNBC hôm 22/1, Giám đốc IEA cảnh báo, những tác động từ ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn chưa xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trong một vài năm tới.
Giá “vàng đen” đã lao dốc trong phiên giao dịch ngày 22/1 do các nhà đầu tư gia tăng lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến triển vọng nhu cầu năng lượng suy giảm. Bất chấp việc cắt giảm nguồn cung của các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh từ đầu năm nay, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang chịu áp lực từ nguồn cung dầu đá phiến gia tăng liên tục tại Mỹ.
Ông Birol lưu ý không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của lĩnh vực dầu mỏ đá phiến của Mỹ.
Theo người đứng đầu IEA, một số nhà quan sát đã nhận định sai và đánh giá thấp tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ trong năm vừa qua, do đó năm 2019 lĩnh vực này của Mỹ có thể sẽ lại thu hút sự chú ý của thị trường.
“Bất kỳ ai cho rằng chúng ta đã nhận thấy những tác động của ngành công nghiệp dầu đá phiến tại Mỹ đối với thị trường năng lượng, điều này hoàn toàn sai”, ông Birol nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo IEA, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chứng kiến những tác động rất lớn của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, đối với mặt hàng dầu và khí đốt, trong nhiều năm tới.
Các nước thành viên trong và ngoài OPEC đã chính thức thực hiện việc cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu tháng này.
Ông Birol nói rằng, với sự hỗ trợ giảm nguồn cung từ OPEC và đồng minh, thị trường dầu mỏ trong năm 2019 sẽ phải đối mặt với áp lực mới khi sản lượng dầu đá phiến từ lưu vực Permian ở phía tây Texas và đông nam bang New Mexico của Mỹ sẽ tăng mạnh.
Giám đốc Birol nhận định rằng trừ trường hợp xuất hiện biến động địa chính trị lớn, giá dầu Brent sẽ rất khó để đạt ngưỡng gần 90 USD/thùng ghi nhận được hồi tháng 10/2018.
Nhà lãnh đạo IEA cũng cho biết Mỹ sắp khẳng định vị thế mới trên thị trường năng lượng, trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới trong năm 2019.
Trong báo cáo hàng tháng công bố hồi tuần trước, IEA nói rằng trong Ả Rập Saudi và Nga - 2 nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, tự nguyện cắt giảm sản lượng, Mỹ, vốn đang là nhà cung cấp khí đốt hóa lỏng lớn nhất, có cơ hội vươn lên vị trí nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.