Quảng trường Tahrir hôm qua trở lại vẻ yên bình khi người dân Ai Cập chờ đợi kết quả bầu cử quốc hội đợt đầu, với dự đoán phe Hồi giáo thắng thế. Theo CNN, nhóm Huynh đệ Hồi giáo và đảng Hồi giáo Salafi Al Noor tuyên bố đang dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu bầu cử quốc hội vừa diễn ra cách đây hai ngày. Kết quả kiểm phiếu chính thức dự kiến sẽ được công bố sớm nhất là trong hôm nay. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức ở Ai Cập kể từ khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng hai. Với nhiều người Ai Cập, đây là lần đầu tiên trong đời họ đi bỏ phiếu để chọn ra các thành viên hạ viện, những người chịu trách nhiệm soạn thảo một hiến pháp mới sau ba thập kỷ của thời Mubarak. Trong khi một số cử tri và các nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ hy vọng những lá phiếu của họ sẽ phát huy tác dụng thì một số người Ai Cập phản đối vì không tin vào sự công bằng và dân chủ của cuộc bầu cử. Ali Al Dali, chủ tịch Liên hiệp Nhân quyền Ai Cập, cho hay ở thành phố lớn thứ nhì Ai Cập là Alexandria đã xảy ra 8 trường hợp mua phiếu bầu và cảnh sát đã được thông báo về việc này. Khoảng 45% cử tri đủ điều kiện của thành phố này đã đi bầu cử. Cuộc bầu cử hạ viện Ai Cập dự kiến sẽ bao gồm ba đợt theo các vùng địa lý và kết thúc vào tháng một tới. Bầu cử thượng viện sẽ khởi động ngay sau đó, từ tháng một đến tháng ba. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng 6. Các nhà lãnh đạo của Hội đồng tối cao Các lực lượng vũ trang khẳng định sẽ chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới sau bầu cử. Tuy nhiên, nhiều người dân Ai Cập vẫn lo ngại quân đội sẽ tiếp tục nắm quyền. Trước đó, đêm 29/11, một cuộc đụng độ mới lại nổ ra ở quảng trường Tahrir và kéo dài đến sáng sớm qua giữa những người biểu tình và những người bán hàng ven khu vực này. Những người biểu tình phàn nàn rằng các chủ quán ở đây đã làm xấu đi hình ảnh của họ khi lợi dụng cuộc biểu tình để bán cần sa. "Chúng tôi đã cảnh báo nhưng họ không chịu thôi", một người biểu tình nói. "Truyền hình quốc gia gọi tất cả những người biểu tình ở quảng trường là những tên côn đồ và nghiện hút. Điều đó là không công bằng". Ít nhất 88 người bị thương và gần 30 người trong số đó phải nhập viện vì vết thương nghiêm trọng. Những người còn lại được chữa trị tại các trại y tế tạm thời ở quảng trường. Đá, chai lọ, súng bắn chim... đều được tận dụng để làm vũ khí trong vụ bạo loạn. Những tiếng súng rền trời cũng được nghe thấy ở trung tâm thương mại và các xe cấp cứu phải hoạt động liên tục ở khu vực quảng trường trong khi cuộc đụng độ tiếp diễn. Quảng trường Tahrir làm tâm điểm của phong trào biểu tình lật đổ ông Mubarak hồi tháng hai và trong hai tuần qua lại trở thành nơi tập trung của những người chống quân đội cầm quyền. Ít nhất 42 người đã thiệt mạng và hơn 3.000 người đã bị thương trong các vụ bạo loạn phản đối chính quyền quân sự.