IMF cảnh báo nguy cơ từ việc chấm dứt kích thích kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã cảnh báo các nền kinh tế lớn cần nghiêm túc cân nhắc về việc thu hẹp hoặc chấm dứt các chương trình kích thích kinh tế, tránh tác động xấu tới các nền kinh tế đang phát triển.

Lời cảnh báo trên được IMF đưa ra trong bối cảnh bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) chuẩn bị nhóm họp tại Sydney ngày 22/2 tới.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G-20 chụp ảnh chung với Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde tại hội nghị thường niên của IMF và WB. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G-20 chụp ảnh chung với Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde tại hội nghị thường niên của IMF và WB. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong báo cáo công bố trước thềm cuộc họp, IMF khẳng định nguy cơ rối loạn tại các thị trường mới nổi và tình trạng giảm phát ở châu Âu đang đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Hiện tại, sự phục hồi kinh tế thế giới còn yếu và nguy cơ suy giảm vẫn còn.

Theo IMF, do khoảng cách sản lượng vẫn lớn, lạm phát vẫn thấp và việc củng cố tài chính đang diễn ra, chính sách tiền tệ cần tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho các nền kinh tế phát triển.

IMF nhấn mạnh có cơ hội cho sự hợp tác hơn nữa về chương trình kích thích kinh tế, trong đó có việc các ngân hàng trung ương thảo luận rộng hơn về kế hoạch thoát khỏi khủng hoảng.

IMF kêu gọi G20 tạo ra nỗ lực chung để thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Nhận định của IMF được đưa ra cùng thời điểm Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định cam kết giảm dần chương trình kích thích kinh tế.

Chương trình kích thích của Fed hiện tại trị giá 65 tỷ USD/tháng, giảm so với mức 85 tỷ USD/tháng hồi cuối năm ngoái.