IMF dự báo tích cực về các nền kinh tế mới nổi châu Á năm 2023

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo triển vọng tăng trưởng của các thị trường mới nổi châu Á sẽ vượt xa nhiều nền kinh tế tiên tiến.

Theo báo cáo của IMF, Ấn Độ và 5 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm nay do lãi suất tăng làm mất đà của nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, tăng trưởng của Ấn Độ, ước đạt 6,8% trong năm tài khóa 2022, dự kiến sẽ giảm xuống 6,1% trong năm tài chính 2023, trước khi quay trở lại mức 6,8% trong năm tài chính 2024. Cũng trong năm 2023, 5 nền kinh tế gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đạt mức tăng trưởng 4,3%, so với ước tính 5,2% vào năm 2022.

Trung Quốc, mở cửa trở lại sau 3 năm hạn chế Covid-19, được dự đoán sẽ phục hồi mức tăng trưởng 5,2% vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng ước tính khoảng 3% vào năm 2022 - năm đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ quốc gia này tụt lại phía sau mức trung bình toàn cầu.

Cố vấn kinh tế kiêm giám đốc nghiên cứu của IMF Pierre-Olivier Gourinchas, cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng nhau chiếm một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. “Việc Trung Quốc bất ngờ mở cửa trở lại dọn đường cho sự phục hồi nhanh chóng” - ông Gourinchas viết. “Và các điều kiện tài chính toàn cầu đã được cải thiện khi áp lực lạm phát bắt đầu giảm bớt. Điều này cùng với sự suy yếu của đồng USD từ mức cao nhất trong tháng 11 đã mang lại một số cứu trợ nhỏ cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển”.

Xung đột Nga-Ukraine và việc tăng lãi suất để đối phó với lạm phát toàn cầu - được dự báo sẽ giảm từ 8,8% năm 2022 xuống 6,6% năm 2023, sau đó là 4,3% vào năm 2024 - vẫn là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, dự kiến sẽ vượt xa các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Châu Á mới nổi và đang phát triển được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,3% vào năm 2023, so với mức chỉ 1,2% của các nền kinh tế tiên tiến.

Báo cáo của IMF viết: “Suy giảm tăng trưởng trong năm 2023 so với 2022 xuất phát từ các quốc gia phát triển; còn các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, tăng trưởng ước tính đã chạm đáy vào năm 2022”.

Tăng trưởng của Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng tốc từ mức 1,4% năm 2022 lên 1,8% năm 2023, sau đó giảm xuống chỉ còn 0,9% vào năm 2024 do tác động của các biện pháp kích thích kinh tế trước đó tiêu tan. Tăng trưởng của Mỹ được dự báo sẽ chậm lại từ mức ước tính 2% cho năm 2022 xuống còn 1,4% vào năm 2023 và 1% vào năm 2024.

Nhìn chung, báo cáo mới nhất của IMF tỏ ra ít bi quan hơn so với bản cập nhật hồi tháng 10/2022, khi các dự báo tăng trưởng tổng thể cho năm nay đã được cải thiện ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong một năm qua, khi dự kiến GDP thế giới tăng 2,9% vào năm 2023.

Và trong khi cán cân rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt vẫn đang nghiêng về phía giảm, thì những mối đe dọa nghiêm trọng nhất, như lạm phát trầm trọng hơn hoặc suy thoái kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraine, đã ít biến động hơn trước.

Rủi ro lạm phát khó lường nhất được cho sẽ là cách Trung Quốc ngăn chặn Covid-19 bùng phát khi nước này mở cửa trở lại. Lạm phát và thị trường bất động sản đầy biến động có nguy cơ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Để giải quyết những rủi ro này, IMF đã khuyến nghị Chính phủ Bắc Kinh tập trung nỗ lực tiêm chủng vào các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong nước, cũng như nỗ lực giải quyết khủng hoảng bất động sản nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính đất nước.