IMF khuyên Nhật Bản tái khởi động Abenomics

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra nhận định, Nhật Bản cần tái khởi động chương trình cải cách kinh tế do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng (Abenomics).

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã hồi phục khiêm tốn trong thời gian qua, với mức nợ công dự kiến lên tới 250% GDP trong 5 năm tới. Theo IMF, Ngân hàng T.Ư. Nhật Bản cần mở rộng các chính sách kích thích, tập trung đẩy mạnh lạm phát lên mục tiêu 2%.

Kể từ lên nắm quyền năm 2012, ông Abe đã nhanh chóng công bố và áp dụng “3 mũi tên” nhằm cải cách kinh tế với mục tiêu thoát khỏi giảm phát và kích thích tăng trưởng. Mũi tên đầu tiên là sử dụng công cụ tiền tệ, thông qua  chương trình mua trái phiếu lớn bởi NHT.Ư Nhật Bản (BOJ) hay còn được biết là chương trình nới lỏng định lượng nhằm bơm tiền vào thị trường. Mũi tên thứ 2 nhắm vào tăng lượng vay và chi tiêu chính phủ mà hiện nay con số đã lên tới 100 tỉ USD kể từ 2012. Kế hoạch cũng kêu gọi lượng vay vốn lớn, vô tình đã tạo nên số nợ khổng lồ giờ đã gấp đôi GDP của Nhật Bản.
IMF khuyên Nhật Bản tái khởi động Abenomics - Ảnh 1
Tuy nhiên cả thế giới vẫn đang mong đợi Thủ tướng Nhật tung nốt “mũi tên thứ ba” của mình, một gói cải cách cơ cấu - điều thiết yếu cho để phục hồi kinh tế.Mũi tên thứ ba – bảo bối cuối cùng của ông Abe nếu thực hiện sẽ tiếp tục tập trung tăng chi tiêu vốn, đẩy mạnh đầu tư trong và ngoài nước để bù đắp lại những làn gió ngược từ lực lượng lao động “teo tóp” vì dân số già. Gói cải cách này sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư trong nước với các chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp Nhật Bản, hiện đang ở mức cao nhất thế giới với tham vọng đến năm 2020, lượng đầu tư FDI vào Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi.

Bên cạnh đó, chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tạo điều kiện để phụ nữ tham gia lao động nhiều hơn và bù đắp lại số lượng nhân lực thiếu hụt do dân số già hóa với mục tiêu tăng tỉ lệ lao động của phụ nữ trong độ tuổi 25-44 lên 73% thay vì 68% như hiện nay. Chính phủ cũng muốn tạo điều kiện cho nhân công nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản. Do đó, các quy định về thời hạn tạm trú cũng sẽ được rút ngắn từ 5 xuống 3 năm. Nền công nghiệp quốc nội vốn được bảo hộ kỹ càng với một lớp đệm dày các giới hạn thương mại nghiêm ngặt, khiến các công ty nước ngoài gặp khó khăn để cạnh tranh với DN trong nước. Dỡ bỏ những tấm barie này sẽ góp phần đẩy mạnh cơ hội phát triển thương mại Nhật Bản. Mũi tên thứ 3 của ông Abe cũng kỳ vọng sẽ nhân đôi được kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản và hải sản đến năm 2020.

Sau 3 năm triển khai, Abenomics bị đánh giá là thiếu hiệu quả so với mong đợi. Tuy nhiên, các chuyên gia IMF vẫn cho rằng nên tái khởi động chương trình này để ngăn những thiếu sót về chính sách cản trở đà tăng trưởng và lạm phát.