IMF thúc đẩy xây dựng kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nước thành viên của IMF đã cam kết tiếp tục chính sách hỗ trợ kinh tế cho đến khi nền kinh tế thế giới phục hồi vững chắc.

KTĐT - Các nước thành viên của IMF đã cam kết tiếp tục chính sách hỗ trợ kinh tế cho đến khi nền kinh tế thế giới phục hồi vững chắc, đồng thời phối hợp thực hiện các chiến lược thoát khỏi khủng hoảng.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss Kahn khẳng định cơ quan này tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy tiến trình phục hồi và xây dựng nền kinh tế toàn cầu mạnh sau khủng hoảng thông qua tư vấn chính sách, thực hiện các mục tiêu cải cách thể chế IMF.

Tại hội nghị của Ban chấp hành IMF thảo luận chương trình hành động của IMF thời kỳ sau khủng hoảng, ngày 4/12, Giám đốc Dominique Strauss Kahn nhấn mạnh Quỹ này có thể đối phó với khủng hoảng thông qua các phản ứng mang tính sáng tạo, nhưng nhiệm vụ cao nhất của IMF là bảo vệ hiệu quả sự ổn định tài chính vĩ mô toàn cầu lại không thể đạt được.

Các nước thành viên của IMF đã cam kết tiếp tục chính sách hỗ trợ kinh tế cho đến khi nền kinh tế thế giới phục hồi vững chắc, đồng thời phối hợp thực hiện các chiến lược thoát khỏi khủng hoảng.

Ngoài ra, quỹ trên sẽ xem xét lại quy mô thích hợp của các nguồn quỹ, kết cấu giữa hạn ngạch và nguồn cho vay, vai trò tài chính và phát triển hơn nữa các công cụ tài chính cũng như chức năng của mình, xem xét các nguồn gây bất ổn định hệ thống tiền tệ quốc tế và quy mô đa dạng hoá các nguồn tài sản dự trữ.

IMF sẽ thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu cải cách hạn ngạch vào tháng 1/2011, theo đó tăng tỷ lệ hạn ngạch lên ít nhất 5% cho các nền kinh tế mới nổi năng động, sử dụng thể thức hạn ngạch hiện nay làm cơ sở cho việc quyết định hoạt động của quỹ nhưng chú ý bảo vệ quyền bỏ phiếu cho các nước nghèo nhất, thúc đẩy tiến trình lựa chọn thành viên, cơ cấu lãnh đạo của Quỹ một cách minh bạch và công khai.

Giám đốc điều hành IMF nêu rõ quỹ sẽ đẩy nhanh thực hiện mô hình thu nhập mới, trong đó có việc bán vàng, tìm kiếm các nguồn đóng góp cho vay và trợ cấp để có thể tăng gấp đôi năng lực cho vay ưu đãi./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần