Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

IMF tiếp tục hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard. (Nguồn: businessweek.com)

Ngày 24/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã một lần nữa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 và nhận định kinh tế thế giới có thể tiếp tục suy yếu, do tình trạng giảm sút trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng như các thị trường mới nổi và những xung đột địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông.

 
Nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard. (Nguồn: businessweek.com)
Kinhtedothi - Nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard. (Nguồn: businessweek.com)
Trong báo cáo cập nhật "Triển vọng kinh tế thế giới" công bố định kỳ nửa năm một lần, IMF dự báo tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế toàn cầu trong năm nay đạt 3,4%, thấp hơn so với mức dự báo 3,7% đưa ra hồi tháng Tư. Trong năm 2013, kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2%.

Các chuyên gia IMF nhận định việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 phản ánh hoạt động kinh tế yếu kém ngay trong quý đầu tiên, đặc biệt tại Mỹ, cũng như triển vọng tăng trưởng kém lạc quan của các thị trường mới nổi.

Theo báo cáo, kinh tế toàn cầu phát triển chậm hơn còn là do các xung đột địa chính trị tại Ukraine và khu vực Trung Đông leo thang trong ba tháng qua, khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard cho rằng kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi, song ở mức rất yếu, và tình trạng này sẽ tiếp diễn trong dài hạn.

Cũng trong báo cáo, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga xuống 0,2%, giảm mạnh từ mức 1,3%, đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái trong năm nay.

Lý do mà IMF đưa ra là "tăng trưởng kinh tế Nga đang chững lại, trong khi nhu cầu nội địa giảm mạnh." Quốc gia Đông Âu này đang đứng trước nguy cơ phải hứng chịu thêm các đòn trừng phạt kinh tế từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) do những căng thẳng liên quan đến Ukraine.

Người phát ngôn IMF William Murray cảnh báo các lệnh trừng phạt này có thể tác động nghiêm trọng tới hoạt động thương mại trong khu vực, đặc biệt tại Đông-Trung Âu và Trung Á.

Về nền kinh tế Mỹ, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 xuống còn 1,7% , so với mức dự báo 2% đưa ra hồi trung tuần tháng Sáu và mức 2,8% hồi tháng Tư.

Các chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc trong những quý còn lại của năm song không đủ mạnh để có thể bù đắp cho những thiệt hại trong quý đầu tiên sau khi sụt giảm 2,9%.

Do nhu cầu nội địa giảm, IMF cũng quyết định hạ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 7,4%, giảm so với mức 7,6% đưa ra trước đó.

Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF vẫn giữ nguyên mức dự báo đưa ra trước đó là 1,1% trong năm 2014, mặc dù lạm phát vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng trì trệ.

IMF khuyến cáo các nền kinh tế này nên duy trì các chính sách tiền tệ phù hợp. Trong khi đó, các thị trường mới nổi cũng phát triển chậm hơn so với dự báo trước đó, ở mức 4,6%, và có thể đối mặt với tình trạng đảo chiều dòng vốn và các điều kiện tài chính khắc nghiệt.

Tuy vậy, IMF vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2015 ở mức 4%. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011.