Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Indonesia - Cực mới của tăng trưởng toàn cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Báo The Jakarta Post của Indonesia số ra mới đây có đăng bài phân tích của Lili Yan Ing, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và đồng thời là giảng viên tại trường Đại học Indonesia, trong đó cho rằng Indonesia là một cực mới của tăng trưởng toàn cầu.

Theo tác giả, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang thay đổi khi thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này từng bước gia tăng.

Động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển dịch, dựa nhiều hơn vào tiêu thụ, dịch vụ, ít hơn vào đầu tư, xuất khẩu và công nghiệp. Và động thái này cung cấp nhiều cơ hội cho các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á, nhất là Indonesia.

 
Indonesia - Cực mới của tăng trưởng toàn cầu - Ảnh 1
Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ thô lớn nhất thế giới. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 

Indonesia có thể tận dụng những cơ hội chứa đựng các tiềm năng độc đáo được gọi là là 3D này là kinh tế vĩ mô bền vững, tiêu dùng nội địa và nhân tố nhân khẩu khẩu học.

Trước hết, Indonesia được hỗ trợ bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô bền vững, như đã đạt nhịp độ tăng trưởng trung bình cao 5,4% trong giai đoạn 2000-2012 và trên 6,3% trong giai đoạn 2009-2012.

Mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia vẫn đạt 6,5% năm 2012 và sẽ là 6,3% năm 2013.

Chỉ số lòng tin tiêu dùng sau khí giảm xuống mức thấp kỷ lục 93 điểm trong quý 3/2008, đã tăng lên 111 điểm trong quý 3/2012, và sau cuộc khủng hoảng tiền tệ-tài chính châu Á năm 1997-1998, Indonesia - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất - đã nỗ lực đạt được kết quả tuyệt vời về kiểm soát nợ công, khi tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm từ 90% năm 2000 xuống còn khoảng 25% năm 2010.

Thứ hai, nền kinh tế Indonesia chủ yếu được hỗ trợ bởi tiêu thụ trong nước. Triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi và thị trường tài chính tiếp tục biến động, song tác động của chúng đến Indonesia được hạn chế, do tiêu dùng trong nước của đất nước “vạn đảo” chiếm trung bình 67% GDP trong giai đoạn 2000-2011.

Thứ ba, về mặt nhân khẩu học, Indonesia có dân số 240 triệu người với thu nhập bình quân đầu người trên 3.500 USD năm 2011, trong đó tầng lớp trung lưu đang ngày một mở rộng, hiện ở mức khoảng 130 triệu người (trên 60%).

Lực lượng lao động hiện chiếm khoảng 50% dân số, và mức tăng tiền lương thực tế ở Indonesia thấp hơn so với ở Trung Quốc kể từ năm 2005.

Những yếu tố này kết hợp làm cho Indonesia trở thành một trong những điểm đến đầu tư hứa hẹn nhất trong thập niên tới.

Tuy nhiên, Indonesia sẽ vẫn phải đối mặt với ba thách thức khi khai thác những cơ hội này là tín dụng, cạnh tranh và đối đầu với sự bất bình đẳng.

Thứ nhất, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nước của Indonesia vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động tiền gửi của Indonesia còn tương đối cao, ở mức trung bình 5,4% trong giai đoạn 2005-2010, so với chỉ có 4,8% ở Philippiens, 4,1% ở Thái Lan, 3,5% tại Việt Nam và 3,3% ở Trung Quốc.

Hơn nữa, dựa trên điều tra doanh nghiệp năm 2009, 48% các công ty ở Indonesia cho biết, tiếp cận tài chính là trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh và tỷ lệ đầu tư của họ được ngân hàng cấp vốn chỉ có 6%.

Thứ hai, các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) về ngành chế tạo và sự hội nhập ASEAN của Indonesia đã chỉ ra rằng đất nước này vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới.

Indonesia vẫn còn tương đối đóng cửa với đầu tư nước ngoài so với các nước khác trong khu vực. Vốn cổ phần của chủ sở hữu nước ngoài trong một số ngành là tương đối thấp hơn so với mức trung bình của các nước ASEAN, Đông Á và Thái Bình Dương (EAP), kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chế tạo và hầu hết lĩnh vực dịch vụ. Và đây có thể được coi là những rào cản đối với cạnh tranh và đổi mới.

Thứ ba, Indonesia phải đối mặt với những thách thức trong việc đối phó với sự bất bình đẳng.

Mặc dù thực tế là số người nghèo đói ở các nước EAP đã giảm được một nửa trong thập niên qua và xu hướng này đang tiếp tục với số người nghèo sống với thu nhập chưa đầy 2 USD/ngày (chuẩn nghèo của WB) ước tính ​​giảm bớt 24 triệu trong năm 2012, song bất bình đẳng đang gia tăng ở các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm cả Indonesia.

Bất bình đẳng gia tăng có thể tạo ra bất ổn xã hội, gây ra những hậu quả tiêu cực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế tổng thể.

Tác giả cho rằng trong ngắn hạn, các chính sách của Chính phủ Indonesia nên tập trung vào việc giảm chi phí tài chính và cải thiện tiếp cận tài chính và vai trò trung gian của các thiết chế tài chính; cải thiện môi trường cạnh tranh để cho phép sự đổi mới.

Việc mở cửa hơn nữa nền kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài cần được theo đuổi trên cơ sở tối huệ quốc. Nước mở cửa hơn có xu hướng tạo ra các dòng chảy FDI lớn hơn, song sự mở cửa này cần được đi kèm với nâng cao chất lượng lao động, bao gồm cả đào tạo lao động, đảm bảo và nâng cao chất lượng lao động.

Các chính sách cần tập trung vào việc làm thế nào để khuyến khích cá nhân trở thành có học vấn và tay nghề cao hơn và tiến tới loại bỏ lao động không có kỹ năng.

Còn trong đầu tư, tác giả khuyến nghị về trung hạn Indonesia nên tập trung hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và các hoạt động đổi mới chuyên sâu hơn.

Ngoài ra, Indonesia cần phát huy thiệu quả tiềm năng nguồn nhân lực dồi dào, giá còn rẻ của mình, đồng thời quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiện một cách hợp lý và tối ưu theo hướng phát triển xanh và bền vững.