Indonesia tái gia nhập OPEC, đôi bên cùng hưởng lợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, trong cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vào ngày 4/12 tới tại Vienna (Áo), Indonesia sẽ tái gia nhập tổ chức này sau 7 năm “vắng mặt”.

Năm 2008, Indonesia tuyên bố rời OPEC, cuối năm đó, quốc gia này trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Trong năm 2014, quốc gia này đã nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD tiền dầu. Và việc Indonesia tái gia nhập tổ chức này sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên.
Indonesia tái gia nhập OPEC, đôi bên cùng hưởng lợi - Ảnh 1
Trên thực tế, Indonesia có sản lượng dầu mỏ không hề thấp hơn các nước thành viên OPEC. Indonesia dự kiến sản xuất 850.000 thùng dầu/ngày trong năm 2015; thậm chí tháng 10/2014, quốc gia này từng đặt mục tiêu 1 triệu thùng/ngày. Những con số này vẫn chỉ bằng một nửa so với thời kỳ hoàng kim của Jakarta những năm 1990. Vì vậy, khi Indonesia trở lại OPEC, đây sẽ vừa là nguồn cung vừa là thị trường của OPEC, “tiện cả đôi đường”.

Mặt khác, chính quyền Indonesia tin tưởng, động thái này sẽ đảm bảo nguồn cung dầu thô cho thị trường trong nước. Dự kiến, quốc gia Đông Nam Á này sẽ mua dầu thô từ Iran sau khi lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 có hiệu lực. Cùng với đó, Indonesia cũng sẽ có được uy tín nhất định, thu hút vốn đầu tư để hồi sinh ngành năng lượng của mình. Điển hình cho lợi ích này là một dự án nhà máy lọc dầu đang chờ tại Ả Rập Saudi.

Thêm một lợi ích chung giữa OPEC và Indonesia là vị trí Tổng Thư ký trong cơ cấu tổ chức. Các nước thành viên OPEC đã thống nhất gia hạn nhiệm kỳ của Tổng Thư ký Abdalla El-Badri từ năm 2012 tới nay. OPEC thường không chấp nhận vị trí này do người Ả Rập Saudi, Iran hay Iraq nắm giữ. Indonesia sau khi gia nhập có thể sẽ có cơ hội ứng cử vào vị trí này.