Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Internet Day 2018: AI sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt phát triển

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trí tuệ nhân tạo (AI) được chỉ ra là một trong hai yếu tố chính nhằm xây dựng hệ sinh thái số của Việt Nam.

Ngày 5/12, một trong những sự kiện CNTT lớn nhất trong năm - Internet Day 2018 đã chính thức diễn ra. Với chủ đề "Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam" - đây là nơi thảo luận, trao đổi của các tổ chức, DN về internet trong và ngoài nước nhằm góp ý về mặt chính sách, tầm nhìn cũng như tư vấn các xu hướng để phát triển hệ sinh thái số tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Thu Hương/Cổng thông tin Bộ TT&TT.

Được biết, hiện Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng nhằm thúc đẩy Chuyển dịch số, đặc biệt là khi Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa khởi xướng dự án ASEAN số (Digital ASEAN) vào tháng 4/2018 với mục đích xây dựng hệ sinh thái và nền kinh tế số cho toàn bộ khu vực các quốc gia Đông Nam Á. Hệ sinh thái này sẽ dựa trên 5 trụ cột chuyển đổi số, gồm: Dữ liệu, kết nối, nguồn nhân lực, thanh toán điện tử và An toàn - an ninh mạng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT&TT cũng xác định việc xây dựng hệ sinh thái số tại Việt Nam sẽ được ưu tiên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, với 20 năm phát triển, đã tới thời điểm Internet Việt Nam cần tiếp tục đặt ra những thách thức và mục tiêu mới, trong đó xây dựng hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ nền tảng số do người Việt tự phát triển, làm chủ là quan trọng bậc nhất. Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm hơn 60%, hiện Việt Nam là quốc gia xếp thứ 15 thế giới về số lượng người sử dụng mạng toàn cầu, điều này chứng tỏ tầm quan trọng rất lớn của Internet với người dân.

Những con số trên càng khẳng định sự cần thiết của việc phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam, từ đó phát sinh nhiều giá trị cho xã hội. Trên thực tế, các DN Việt hiện nay hoàn toàn đủ năng lực và quyết tâm để làm chủ công nghệ tại thị trường trong nước cũng như thế giới. Nếu có sự hỗ trợ đầy đủ từ chính sách cho tới người dùng, các sản phẩm công nghệ Việt hoàn toàn có thể tiến ra các quốc gia lân cận và thế giới, Thứ trưởng chia sẻ.

Với sự phát triển thần tốc của Internet đã mang lại nhiều mô hình kinh doanh mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam tuy nhiên tình trạng DN vẫn lúng túng do môi trường pháp lý chưa theo kịp vẫn còn tồn tại. Điển hình là vụ việc giữa VinaSun và Grab, đó không chỉ là xung đột giữa các DN mà còn là sự đối đầu giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ, ông Nguyễn Thành Hưng lấy ví dụ.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng chia sẻ, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc điều chỉnh mặt chính sách nhưng thực tế mô hình kinh doanh trên nền Internet thay đổi quá nhanh nên đã có độ trễ nhất định. Đây cũng không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia phát triển cũng gặp phải. Do đó cần phải xây dựng một chính sách công bằng và bình đẳng cho các mô hình kinh doanh, kể cả truyền thống lẫn trên nền Internet.

Đối với hệ sinh thái số, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định sẽ có hai yếu tố đóng vai trò cốt yếu là trí tuệ nhân tạo chính sách. Trí tuệ nhân tạo sẽ là chìa khóa để DN nâng cao sức cạnh tranh, thay đổi sản phẩm nhằm thu hút người dùng. Còn chính sách sẽ khiến DN phải quan tâm tới các yếu tố cộng đồng cũng như tuân thủ đúng những quy định để tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp cùng các DN, Hiệp hội nhằm cải thiện các cơ chế, chính sách sao cho DN có môi trường phát triển thuận lợi và công bằng nhất. Tuy nhiên cũng cần có sự chung tay, nghĩ cho đất nước từ chính các DN. Những điều này sẽ giúp thúc đẩy sản phẩm công nghệ do DN trong nước làm ra phù hợp với nhu cầu của người dân cũng như tạo bàn đạp để tiến ra thế giới, Thứ trưởng Bộ TT&TT kỳ vọng.

Sự kiện Internet Day 2018 tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tổng quan về định hướng chính sách, tầm nhìn về hệ sinh thái số Việt Nam; Xu hướng công nghệ và kinh nghiệm quốc tế; và tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam: người chơi và luật chơi". Trong phần tọa đàm có sự góp mặt của nhiều diễn giả uy tín đến từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cùng đại diện các doanh nghiệp viễn thông, Internet, nhà cung cấp dịch vụ nội dung số, nhà sản xuất thiết bị mổ xẻ các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái số Việt Nam như: Việt Nam cần những “người chơi” nào cho hệ sinh thái số của mình? “Luật chơi" của hệ sinh thái gồm những gì, và cần làm gì? Đâu là những sản phẩm, dịch vụ là cần thiết cho hệ sinh thái số Việt Nam…

Bên cạnh đó cũng có 3 phiên hội thảo chuyên đề sẽ được tổ với các nội dung đáng chú ý như: Phát triển hạ tầng, tài nguyên Internet và vấn đề quyền riêng tư, bảo mật; Thúc đẩy thanh toán trực tuyến vì sự phát triển của hệ sinh thái số Việt Nam; Chuyển đổi theo Cloud và tương lai các hệ sinh thái số sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về xu thế dịch chuyển theo Cloud trên thế giới và Việt Nam.