Giám đốc Cơ quan Năng lượng hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi hôm 21/9 cho biết, Thỏa thuận hạt nhân đa phương ký năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và Đức), đang đối mặt nguy cơ sụp đổ hoàn toàn kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước này hồi tháng 5/2018. Tuy nhiên, ông Salehi khẳng định hiệp ước hạt nhân đa phương này hoàn toàn xứng đáng tiếp tục được duy trì.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna hôm 21/9, ông Ali Akbar Salehi nhấn mạnh: “Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) đang rơi vào tình thế gần như bế tắc kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước năm 2018”.
Thỏa thuận hứa hẹn với Iran những ưu đãi kinh tế để đổi lấy những giới hạn trong chương trình hạt nhân của nước này.
Sau quyết định đơn phương rút khỏi JCPOA của Washington, các cường quốc còn lại trong thỏa thuận hạt nhân quan trọng này, gồm Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga, đã phải nỗ lực bù đắp những thiệt hại cho Tehran do các lệnh trừng phạt tái áp đặt của Mỹ.
Nước Cộng hòa Hồi giáo đã rút bớt các cam kết nêu trong thỏa thuận JCPOA, đẩy mạnh phát triển việc làm giàu uranium và các hạn chế khác nhằm gây áp lực buộc các thành viên còn lại trong hiệp ước phải hành động nhiều hơn nữa để tiếp tục duy trì hiệp ước này.
Cũng trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của IAEA, ông Salehi nhấn mạnh rằng điều “quan trọng nhất” là các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân phải tìm ra giải pháp để giải quyết “những khó khăn cho Iran do việc Mỹ rút khỏi JCPOA một cách bất hợp pháp”.
Quan chức phụ trách hạt nhân Iran lưu ý thêm rằng cộng đồng quốc tế vẫn ủng hộ rộng rãi việc tiếp tục duy trì JCPOA.
Về phần mình, trong bài phát biểu tại hội nghị IAEA sau ông Salehi, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette không đề cập đến thỏa thuận JCPOA, chỉ nói rằng “Mỹ vẫn cam kết giải quyết các mối đe dọa do các chương trình hạt nhân của cả Triều Tiên và Iran”.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 21/9, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nhiều cá nhân, thực thể liên quan tới chương trình vũ khí và hạt nhân của Tehran nhằm khẳng định tuyên bố của Washington rằng, tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Tehran hiện đã được khôi phục.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bộ Quốc phòng Iran cũng như 2 cá nhân là Hamid Reza Ghadirian và Ahmad Asghari Shiva'i, mà theo ông là nắm vai trò trung tâm trong chương trình làm giàu uranium của Iran;
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo các biện pháp trừng phạt đối với Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) trong khi Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien cho biết, Mỹ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 27 cá nhân và thực thể liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.
Liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, hôm 14/9 vừa qua, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi 14/9 cho biết, các thanh sát viên của cơ quan này sẽ thanh sát cơ sở hạt nhân thứ 2 của Iran vào cuối tháng này trong khuôn khổ một thỏa thuận đạt được trước đó giữa hai bên.
Cơ quan IAEA và Iran đã đạt được nhất trí về việc tiếp cận hai địa điểm được cho là nơi nước Cộng hòa Hồi giáo tiến hành làm giàu urani. Theo ông Grossi, việc tiếp cận và lấy mẫy xét nghiệm tại địa điểm thứ nhất đã diễn ra cách đây ít ngày.