“Một chính phủ khập khiễng sẽ không thể làm được bất cứ điều gì. Tất cả mọi việc sẽ phải chờ trong khoảng thời gian gần 6 tháng. Tehran sẽ không có chính quyền mới trước tháng 9” - Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết trong cuộc hội thảo trực tuyến do Trung tâm Chính sách châu Âu tổ chức hôm 15/3.
“Rất nhiều điều có thể xảy ra từ bây giờ đến tháng 9. Vì vậy, Mỹ cần hành động càng sớm càng tốt” - Bộ trưởng Zarif lưu ý.
Chính quyền Tehran đã nhiều lần khẳng định rằng Mỹ, nước đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), phải là bên có động thái đầu tiên để sửa đổi mọi thứ và không nên đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
“Chúng tôi sẵn sàng quay trở lại tuân thủ đúng cam kết trong thỏa thuận JCPOA ngay sau khi Mỹ làm điều tương tự. Đơn giản như vậy thôi” - Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 2, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự quan tâm đến việc quay lại thỏa thuận hạt nhân đa phương, song nói rằng Mỹ muốn thấy những thay đổi từ Tehran trước khi Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Tuy nhiên, Iran tuyên bố họ muốn việc Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi ngồi vào bàn đàm phán về thỏa thuận JCPOA.
Trong cuộc họp vào tháng trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định rằng Mỹ và Iran vẫn còn "một chặng đường dài" để có thể quay trở lại JCPOA, được Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) vào năm 2015.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã leo thang kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận JCPOA vào ngày 8/5/2018, và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Đáp trả lại, Iran dần rút bớt việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận JCPOA.
Hồi đầu tháng 1 vừa qua, Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran thông báo rằng nước này đã thành công trong việc tăng tỷ lệ làm giàu uranium lên mức 20% tại nhà máy Fordow.
Tehran đã cấm hoạt động thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thuộc Liên Hợp quốc (LHQ) theo yêu cầu trong thỏa thuận JCPOA. Tuy nhiên, sau khi hội đàm với lãnh đạo IAEA, Tehran đồng ý để các thanh sát viên của IAEA tiếp tục hoạt động song ở mức hạn chế.